Thầy A., một giảng viên trẻ có học hàm phó giáo sư (PGS), vừa rời Trường ĐH Bách khoa TP HCM về đầu quân cho Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Có gần 10 năm gắn bó với Trường ĐH Bách khoa TP HCM, thầy A. đánh giá trường là ngôi trường danh tiếng, nhiều người muốn đến nhưng quyết định ra đi vì mong muốn có môi trường mới, có cơ hội được cống hiến nhiều hơn.
Lót tay hàng chục triệu đồng để hút tiến sĩ
Chúng tôi hỏi quyết định chia tay Trường ĐH Bách khoa TP HCM có khó khăn không, thầy A. chậm rãi đáp: "Dạy 5-10 năm tại một trường, người ta cần thay đổi môi trường để thử thách, tìm cơ hội phát triển tốt hơn. Mỗi người có mỗi hướng đi nhưng với tôi, tìm đến môi trường mới để có thêm người đồng hành tạo nên những giá trị cho xã hội".
Với hầu hết giảng viên được đào tạo bài bản dứt áo ra đi, lý do được nhắc nhiều đến là thu nhập tại trường công quá thấp. Ngoài các trường ĐH công lập được tự chủ tài chính, mức lương được tính theo hệ số nhà nước quy định, không làm việc gì khác nên không có khoản mềm. Tiền nghiên cứu cũng chỉ nằm trong tay một số người…
Cần trả lương và có các chính sách đãi ngộ tương xứng mới có thể giữ chân giảng viên giỏi. Ảnh: Tấn Thạnh
Việc giảng viên trẻ rời trường này đầu quân cho trường khác càng sôi động khi nhiều trường ĐH có chính sách khuyến khích thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS). PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết thực hiện tự chủ, trường có điều kiện để thu hút lực lượng giảng viên giỏi có trình độ TS. Chẳng hạn, TS mới tốt nghiệp của trường có mức thu nhập cứng tối thiểu là 16 triệu đồng/tháng, PGS-TS tối thiểu 35 triệu đồng… Để khuyến khích giảng viên từ nơi khác về, trường có chính sách "lót tay" TS là 75 triệu đồng, PGS 100 triệu đồng, GS 150 triệu đồng và được sắp xếp công việc phù hợp.
Chính sách tuyển dụng giảng viên có trình độ TS đã thu hút được nhiều giảng viên của các trường ĐH khác, riêng Trường ĐH Bách khoa cũng có khoảng 7 người đầu quân trong năm 2018. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, chính sách thu hút giảng viên có trình độ TS từ đầu năm đến nay đã có 11 người về làm việc tại trường.
Giảng viên giỏi đắt sô
GS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chia sẻ: Các trường ĐH công lập chưa tự chủ như Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đang đối diện với thách thức vô cùng lớn, đó là vấn đề giữ chân giảng viên giỏi ở lại trường trong bối cảnh nguồn lực tài chính của trường eo hẹp vì dựa vào cấp phát ngân sách từ nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu trường phải đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để giải bài toán thu nhập thấp, nhiều trường phải chấp nhận cho giảng viên "chạy sô" giảng dạy ở các trường khác. PGS-TS Võ Văn Sen, lúc đương chức Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, từng chia sẻ với báo chí rằng trong số 984 giảng viên của trường có khoảng 70 người có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng. Trường có ý muốn trợ cấp thêm thu nhập nhưng có trên 30 người từ chối vì nhà có công ty riêng.
Theo ông Sen, dưới 4 triệu đồng/tháng là mức lương theo quy định; ngoài ra giảng viên còn có thêm thu nhập khác như dạy thêm ngoài giờ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học...
Về việc giảng viên chạy đi dạy thêm cho nhiều trường ĐH khác, ông Sen bày tỏ: "Trường không thể cấm chuyện này vì đây là khó khăn chung của trường ĐH hiện nay. Chúng tôi không thể bắt các giảng viên phải toàn tâm toàn ý cho trường mình". Theo ông Sen, giảng viên "chạy sô" là do lực lượng giảng viên có trình độ cao quá ít, lại chủ yếu tập trung ở các trường công lập.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng những trường chi trả thu nhập cho giảng viên thấp khó đòi hỏi giảng viên phải toàn tâm toàn ý với công việc. Thậm chí có người làm ngoài có thu nhập cao nhưng vì muốn có chân trong trường nên thuê người lên lớp thay. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo của trường.
Nguồn giảng viên giỏi cạn kiệt dần
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, các trường ĐH muốn tồn tại và phát triển tốt cần tạo được tiềm lực tài chính tốt để chi trả cho giảng viên với mức có thể giúp giảng viên có điều kiện cống hiến. Nếu không, trong cơ chế hiện nay, chỗ nào có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến tốt thì giảng viên giỏi sẽ đầu quân, điều đó sẽ làm cho đội ngũ giảng viên có chuyên môn giỏi cạn kiệt dần và ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo.
Bình luận (0)