PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng việc quốc tế hóa giáo dục ĐH Việt Nam có thể nhắm đến đào tạo ra những sinh viên có khả năng trở thành công dân toàn cầu, không chỉ làm việc trong nước mà có thể làm việc cho các công ty đa quốc gia ở nước ngoài. Khi mà các công ty đa quốc gia đã đầu tư sản xuất, kinh doanh ở nhiều nước thì việc dịch chuyển lao động đã trở thành xu thế, không cưỡng lại được.
Thay đổi mang tính cấp thiết từ ngoại ngữ
Khi đó, nếu hội nhập và có chất lượng cao, ĐH Việt Nam sẽ là nơi để sinh viên quốc tế đến học, là nơi có thể thu hút giảng viên nước ngoài đến giảng dạy.
Để làm điều này thì phải tổ chức lại, gồm: ngôn ngữ giảng dạy; chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo... Đây là yêu cầu phải thay đổi, cấp thiết cho việc hội nhập.
Sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy là một trong những khía cạnh chính của quốc tế hóa giáo dục ở Việt Nam. Việc này đã và đang được các trường ĐH triển khai dù còn nhiều khó khăn.
Thông tin từ Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết năm 2019, bảy chương trình đào tạo của trường sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm: Luật, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, răng hàm mặt, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Những thí sinh trúng tuyển có trình độ tiếng Anh IELTS đạt 5,5 trở lên sẽ được vào học chuyên ngành luôn mà không cần phải học tiếng Anh tăng cường. Đối với thí sinh chưa đạt trình độ tiếng Anh nêu trên sẽ học tiếng Anh tăng cường 1 học kỳ, hoặc 1 năm.
PGS-TS Hồ Thanh Phong cho rằng để tổ chức dạy học bằng tiếng Anh thì yếu tố giảng viên là quan trọng hàng đầu. Giảng viên thỏa mãn yêu cầu về chuyên môn là đương nhiên và phải có năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh. "Lực lượng này được trường tuyển dụng trong 4 tháng qua, toàn bộ tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và có công trình nghiên cứu tốt" - ông Phong nói.
Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều đề án phát triển dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông nhưng nhìn chung vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD-ĐT công bố, môn tiếng Anh có điểm trung bình là 3,9; hơn 78% thí sinh có điểm dưới trung bình. Ở các trường ĐH, nhiều sinh viên không thể vượt qua môn tiếng Anh theo yêu cầu của trường. Nhiều chương trình liên kết quốc tế, sinh viên không thể học chuyển tiếp giai đoạn 2 ở nước ngoài do trở ngại ngoại ngữ.
Sinh viên ngành răng hàm mặt Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thực hành tại cơ sở số 120 Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM
Dấu ấn của trường ĐH tư
Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy hiện có khoảng 80.000 học sinh đang du học tại các trường ĐH ở Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Singapore, Trung Quốc..., phần lớn là tự túc. Một báo cáo trong năm 2018 cũng cho biết hằng năm, người Việt đã chi khoảng 4 tỉ USD cho du học. Trong khi các trường ĐH của Việt Nam hầu như chưa thu hút được sinh viên quốc tế, ngoại trừ số sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học ngành Việt Nam học hay các chương trình đào tạo cho sinh viên Lào, Campuchia.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cũng có quan điểm rằng giáo dục ĐH Việt Nam muốn phát triển, hội nhập quốc tế thì khâu quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng có thể xây dựng chương trình đào tạo, đối sánh với chương trình đào tạo của những trường có uy tín trên thế giới. "Không nhất thiết phải nhập khẩu nguyên chương trình của ĐH ở nước ngoài bởi đội ngũ giảng viên chất lượng có thể xây dựng chương trình chất lượng" - ông Tống nói.
Tuy nhiên, ông Tống đánh giá với chính sách về tiền lương, các trường ĐH tư có lợi thế hơn các trường ĐH công lập khi họ có những chính sách riêng để thu hút giáo viên giỏi và có trình độ cao tới giảng dạy, thậm chí là giảng viên đến từ các ĐH lớn trên thế giới...
Việc Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng quyết định đào tạo các ngành bằng tiếng Anh là một trong những quyết định mang tính bước ngoặt nhằm khuyến khích việc học tiếng Anh từ bậc phổ thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để học sinh theo đuổi những ngành học được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong môi trường ĐH quốc tế ngay tại Việt Nam.
Bình luận (0)