Tu nghiệp sinh (TNS) Việt Nam tại Nhật vừa ăn Tết chung với Tết dương lịch của đất nước mặt trời mọc chưa đầy 2 tháng là đến Tết âm lịch. Do vậy, họ thường không có thời gian rảnh để bày biện đón Tết vì trùng với ngày làm.
“Mua Tết” ở chợ Việt
Chợ Việt Nam là cách gọi bình dân của các cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam trên đất Nhật. Ở Nagoda, đi từ khu lưu trú đến chợ Việt Nam gần nhất mất khoảng 10 phút đi xe buýt ra ga tàu điện và 30 phút đi tàu điện đến chợ. Tiền vé xe buýt và tàu điện cả lượt đi và về mất khoảng 1.600 yen (cỡ 320.000 đồng).
Huỳnh Thị Ngọc Bích (SN 1988, quê Long An) qua Nhật làm TNS cho một công ty may ở TP Nagoda, tỉnh Aichi từ tháng 12-2011. Ngọc kể người Nhật đã nghỉ Tết trong 10 ngày (từ ngày 27-12-2013 đến 5-1-2014).
Huỳnh Thị Ngọc Bích (hàng đầu, bên phải) và bạn bè ở Nagoda Ảnh: Huy Thiện
Kết thúc tiệc tất niên của công ty, kể như các TNS Việt Nam đã đón Thần Năm Mới với người Nhật và bắt đầu ăn Tết theo đúng kiểu Việt Nam. “Có thể mua nguyên liệu để nấu các món ăn cho đỡ nhớ quê như vịt nấu chao, lẩu chua cay, thậm chí bánh chưng, bánh tét ở các chợ Việt Nam” - Ngọc Bích chia sẻ.
Trong khi đó, Bùi Huy (SN 1988, quê Bình Dương, làm việc tại Osaka) kể ngoài món Việt, ở khu lưu trú của anh, TNS Việt Nam còn thử ăn Tết thêm các món Nhật khác. “Hầu hết các TNS Việt Nam đều thấy hợp khẩu vị, nếu không nói ăn riết rồi ghiền hai món sashami và shushi ” - Bùi Huy cho biết.
Đêm giao thừa, nhớ nhà da diết
Phút giao thừa theo Tết âm lịch của TNS tại Nhật thường diễn ra lặng lẽ với chiếc điện thoại làm cầu nối với người thân ở quê nhà.
Về giây phút thiêng liêng này, Hữu Thiên (SN 1985, quê Tây Ninh, làm việc cho 1 công ty xây dựng ở Tokyo) cho biết năm nay, vào thời điểm giao thừa hay mùng 1 Tết ở Việt Nam, tại Nhật, Thiên vẫn phải làm và có thể còn tăng ca. Cũng như 2 năm trước, năm nay, anh sẽ canh lúc 10 giờ (12 giờ đêm ở Việt Nam) để gọi điện về nhà chia sẻ giây phút giao thừa với người thân.
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, Hữu Thiên xung phong đi Nhật làm việc. Hai năm qua, anh đã giúp ba mẹ có được 1 căn nhà khang trang và hỗ trợ 2 đứa em học ĐH. Hữu Thiên chia sẻ: Để tiết kiệm chi phí, TNS Việt Nam có thể tham gia các hoạt động lễ hội dịp Tết ở địa phương hoặc đến nhà người thân ăn Tết. “Tết ở nhà người thân đang định cư bên đây và ở một số khu lưu trú lớn có vài trăm TNS Việt Nam khá giống Tết cổ truyền trong nước, cũng có bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả” - Hữu Thiên cho biết.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Mẫn (SN 1987, quê Vĩnh Long, TNS tại 1 công ty cơ khí ở TP Shinshiro, tỉnh Aichi) ước mơ tích cóp được một số vốn về quê kinh doanh. Cả Minh Mẫn và Hữu Thiên đều hết hạn hợp đồng trong năm nay. “Nghĩa là chỉ còn phải sống một đêm giao thừa xa quê, nhớ nhà da diết nữa thôi” - TNS Minh Mẫn nói.
Còn đối với Ngọc Bích, Tết âm lịch năm rồi, giây phút giao thừa ở Việt Nam là giây phút chị nhớ nhà muốn khóc. “Chỉ thêm một đêm giao thừa xa nhà sắp tới này nữa thôi, rồi cuối năm nay tôi sẽ mãn hợp đồng, về nước thực hiện ước mơ của mình” - TNS Ngọc Bích nói. Ước mơ của chị chính là được thực hiện giấc mơ còn dang dở trước khi sang Nhật là học ĐH.
20.000 TNS đón Tết trên nước Nhật
Việt Nam đưa lao động (gọi là TNS) sang Nhật Bản theo chương trình thực tập kỹ năng từ năm 1992. Tính đến hết năm 2013, trên 130 doanh nghiệp phái cử đã cung ứng cho Nhật Bản hơn 40.000 TNS.
Họ tu nghiệp và làm việc theo hợp đồng 1 năm hoặc 3 năm trong các ngành cơ khí, xây dựng, dệt may, nông nghiệp, ngư nghiệp và một số ngành khác với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Các TNS này tập trung chủ yếu ở các tỉnh Aichi, Mie, Tokyo, Osaka…
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Tết âm lịch năm nay ở Việt Nam, có khoảng 20.000 TNS đang làm việc trên nước Nhật.
Bình luận (0)