Thế nhưng, kể từ ngày có quy định tới nay, giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy trẻ khuyết tật từ bậc mầm non tới THCS tại tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được đồng phụ cấp nào. Phản ánh tới Báo Người Lao Động, một thầy giáo trực tiếp dạy trẻ khuyết tật tại Trường THCS Phú Nhuận (huyện Như Thanh) cho biết từ năm 2016 tới nay, ông và hàng chục thầy cô khác đã tham gia dạy học sinh khuyết tật trong trường, mỗi kỳ học đều có thống kê, báo cáo. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hàng chục thầy cô tại trường chưa nhận được tiền phụ cấp.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nhuận, thừa nhận việc giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa nhận tiền hỗ trợ là đúng thực tế. Ông Sáng cũng khẳng định năm nào nhà trường cũng thống kê báo cáo huyện nhưng khi hỏi thì được biết chưa có tiền. "Vừa qua, tại cuộc họp trên phòng giáo dục, một số hiệu trưởng cũng có ý kiến về việc này. Tuy nhiên, huyện trả lời vẫn chưa có tiền" - ông Sáng nói.
Trường THCS Phú Nhuận (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), một trong những trường có giáo viên dạy trẻ khuyết tật nhiều năm qua không được nhận chế độ
Không chỉ 42 trường ở huyện Như Thanh, theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hàng ngàn giáo viên, chưa nơi nào thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho những người đứng lớp dạy trẻ khuyết tật bậc mầm non tới THCS.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thúy Lan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Như Thanh, cho biết đến thời điểm này, giáo viên đứng lớp dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn chưa được nhận chế độ theo Nghị định 28 và Nghị định 113. Nguyên nhân là do Sở Tài chính chưa cấp kinh phí. "Đây là chế độ mà giáo viên thắc mắc và hoàn toàn chính đáng, huyện cũng rất trăn trở. Tuy nhiên, đến nay chưa có kinh phí để chi trả" - bà Lan thông tin.
Theo trưởng Phòng GD-ĐT huyện Như Thanh, từ tháng 8-2016, sau khi có hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện phụ cấp ưu đãi cho giáo viên theo khoản 2 điều 7 Nghị định 28 của Chính phủ, năm nào phòng cũng thống kê chi tiết, đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn trình chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Nhưng sau khi có quyết định phê duyệt trình Sở Tài chính thì sở này trả lời do có một số vướng mắc trong quá trình hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa cấp kinh phí được.
Trước kiến nghị của giáo viên, tháng 10-2021, trong văn bản tổng hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cũng đã có ý kiến về việc này. Lãnh đạo huyện đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban, ngành sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, bảo đảm các chế độ, phụ cấp cho giáo viên trên địa bàn.
Bình luận (0)