Sau nhiều năm đấu tranh, đòi xem sổ BHXH thì đến cuối tháng 11-2014, kế toán trưởng mới dán số sổ lên phòng hội đồng. Khi vào mạng tra cứu thì cả trường đều hoang mang, giận dữ bởi tiền BHXH toàn năm 2014 không được đóng cho đến khi được công khai mã số sổ; tiền đóng BHXH không đúng quy định, đóng thấp hơn bậc lương. Nhiều trường hợp từ năm 2000 đến nay chỉ đóng một bậc lương, có trường hợp giáo viên có 1 con nhưng sổ BHXH lại ghi 7 lần nghỉ hậu sản; tiền bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến tháng 11-2014 không được đóng...
Giáo viên Trường THPT Tân Bình, TPHCM
- Ông Nguyễn Phạm Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình, TP HCM - trả lời: Từ năm 2000-2008, sổ sách BHXH ở trường do người phụ trách kế toán giữ và cập nhập, đến năm 2009 giao lại cho một hiệu phó và thư ký hội đồng cập nhật, ghi sổ nhưng vào tháng 9-2011 thì 2 người này chuyển trường. Tháng 9-2011, khi về trường làm hiệu trưởng, tôi đã chỉ đạo bàn giao sổ sách BHXH cho kế toán phụ trách, đồng thời yêu cầu phải thường xuyên liên hệ với cơ quan BHXH để cập nhật, đối chiếu trong thời gian sớm nhất. Số liệu cập nhật trước đó phát hiện có nhiều trường hợp sai sót, không chính xác.
Đến nay, trường đã cập nhật, hoàn tất toàn bộ hồ sơ BHXH cũng như đóng đầy đủ các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đến hết ngày 31-12-2014. Nhà trường luôn thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hằng năm nhưng do khó khăn trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận chứng từ giữa các bộ phận có những mặt còn hạn chế, cũng như việc cập nhật còn chậm, điều chỉnh có sai sót nên xảy ra tình trạng như giáo viên phản ánh... (chưa kể trường hợp sai sót của BHXH TP khi ghi 1 trường hợp nghỉ thai sản 7 lần). Đây là trách nhiệm của kế toán.
Để trường hợp trên không lặp lại, hiệu trưởng đã phối hợp với ban chấp hành Công đoàn, thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo cho toàn thể hội đồng sư phạm trong các buổi họp định kỳ.
Bình luận (0)