Thí sinh trao đổi sau khi thi xong môn văn. Ảnh: Tấn Thạnh
Giáo viên Văn Trịnh Quỳnh An từ Trường THPT Gia Định - TP HCM nhận định đề thi năm nay không mới nhưng độ phân hóa khá cao ở 2 câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy 2 câu đọc hiểu này rất quen và từng có trong các đề thi thử khác, sách giáo khoa nhưng câu hỏi lại có sự thay đổi. Theo giáo viên này, nhiều câu hỏi liên quan câu 4 (bày tỏ cảm nghĩ về tiếng Việt) khá khó, ví dụ như câu: “tại sao tác giả cho rằng cuộc sống trong cái tuyệt đối cá nhân là chẳng có gì đáng thèm muốn”. Thực ra, ở các câu này, học sinh vẫn phải biện luận bằng lời tác giả nhưng bằng cách của mình.
Đề thi ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2016
Ở câu 8 yêu cầu tác giả nêu suy nghĩ về cuộc sống của con người thoát ra khỏi “cái tuyệt đối bản thân”, khó ở chỗ thí sinh phải phải thoát ra khỏi văn bản đó. “Đối với một câu 0,5 điểm như vậy là khó”, cô giáo nhận xét. Ở câu này, thí sinh phải làm rõ nếu thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân” sẽ như thế nào, phải dựa vào văn bản phải đưa ra chính kiến, sự lập luận của mình mới có thể trả lời câu hỏi này. Câu trả lời tưởng chừng có trong văn bản nhưng thực chất phải thoát ra khỏi văn bản, vì cần vận dụng kiến thức xã hội.
Đối với phần nghị luận xã hội, đây là đề rộng và mở. “Sự hèn nhát làm mất chính mình” rất dễ hiểu, dễ nhìn thấy như sợ hãi không dám đối mặt khó khăn, từ đó không biết được điểm mạnh, yếu của bản thân. Tuy nhiên, để phân tích phần “dũng cảm để tìm thấy chính mình” là khá khó, bởi nó liên quan đến nhiều khía cạnh rộng mở như: Dũng cảm để đối mặt với sự thật, dũng cảm thừa nhận sai lầm, dũng cảm dấn thân và đấu tranh cho lẽ phải, công bằng. Vì thế, câu này khá nhiều luận điểm khiến học sinh khó khăn trong việc lập luận.
Tuy nhiên, thí sinh có lợi thế là nhìn vào câu hỏi sẽ thấy vấn đề ngay. Do đó, thí sinh trung bình có thể dễ dàng đạt điểm 5. Đề này chỉ phân hóa đối với thí sinh khá, giỏi.
Ở câu về tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, mặc dù đề cập đến tình huống truyện không phải là yêu cầu mới, nhưng cách đặt vấn đề của câu hỏi đợt này có tính phân hóa cao. Thường những học sinh hiểu và nắm vững kỹ năng mới làm được. Đây là dạng đề phân tích để làm rõ nhận định, mà nhận định này lại “chơi chữ”. Thứ nữa, đây là việc phân tích khía cạnh nghệ thuật của tác phẩm văn chương, nên nó cũng sẽ “làm khổ” không ít thí sinh chỉ lấy môn văn làm điều kiện để xét tốt nghiệp. Thông thường, những thí sinh này chỉ tập trung vào khía cạnh nhân vật như bà cụ Tứ, Tràng… mà ít khi tập trung vào tình huống truyện ngoại trừ thí sinh thi để lấy điểm xét ĐH. “Tôi cho rằng câu này hay, chắc chắc sẽ phân hóa được thí sinh. Tuy nhiên, phổ điểm của đề này sẽ không cao”, cô Quỳnh An chia sẻ.
Thí sinh rời khỏi phòng thi sau khi thi xong môn văn tại Trường THPT Gia Định - TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Cô Đoàn Thị Thu Hà, Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội cho rằng, đề ngữ văn năm nay thật sự rất thú vị. "Có ba vấn đề mà tôi rất hài lòng là vừa sức với trình độ học sinh, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa rõ ràng. Những vấn đề đặt ra khá thiết thực, gần gũi và có ý nghĩa đối với cuộc sống. Hay nhất là câu nghị luận xã hội khi đặt ra một vấn đề khá thú vị là yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến cho rằng "Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”, cô Thu Hà nhận xét.
Theo giáo viên này, đây là dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý, có 2 vế đều đúng, khá quen thuộc trong các kì thi đại học và THPT quốc gia 2015. Học sinh chỉ cần nắm chắc kĩ năng là có thể làm tốt, học trò sẽ rất hào hứng với câu này.
XEM GỢI Ý GIẢI ĐỀ NGỮ VĂN tại đây
Bình luận (0)