"Không một quy định nào quy định rõ chức năng và quyền hạn và chúng tôi cứ sống như vậy trong nhiều năm qua dù đã kiến nghị và đề xuất cấp trên nhiều lần. Chúng tôi chỉ muốn một câu trả lời là GV tâm lý có cần thiết hay không?"
Đó là những dòng trích trong "tâm thư" mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ các giáo viên (GV) đang làm công tác tư vấn học đường tại TP HCM về vị trí việc làm cho những GV làm công tác tư vấn tâm lý học đường ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong đơn kiến nghị, các GV nhắn nhủ muốn được Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm lắng nghe!
Trong đơn kiến nghị, các GV nêu rõ, từ năm 2008, chính vì sự cần thiết của tư vấn tâm lý học đường nên TP HCM đã mạnh dạn ban hành văn bản 5344 về quy định một số biên chế trong nhà trường. Niềm vui chưa được bao lâu thì văn bản bị bãi bỏ do trái với quy định. Và từ đó, chức danh GV tư vấn học đường đã được tuyển dụng bị cho là không có trong bộ máy hoạt động của nhà trường. Thi đua và những quy định cụ thể cũng không có chức danh GV tư vấn tâm lý.
Các GV cũng chỉ ra một loạt những bất công khi chức danh này không có trong biên chế. Cụ thể, có 1 GV tư vấn học đường THCS đã không được xét chiến sĩ thi đua vì lý do nếu là GV muốn đạt chiến sĩ thi đua phải dạy giỏi 2 năm liên tục. Nhưng GV tâm lý không có môn để dạy, cũng không có vị trí việc làm nên không được đánh giá. "Từ đó chúng tôi có phấn đấu thế nào cũng không được nhìn nhận"- một GV bày tỏ.
Một tiết học về hướng nghiệp, kỹ năng sống do GV tư vấn học đường giảng dạy
Bên cạnh đó, có trường "nhân đạo" bố trí cho GV tâm lý lên tiết chuyên đề, dạy một số tiết kỹ năng sống nên có được phụ cấp ưu đãi GV. Nhưng cũng có nhiều trường không bố trí tiết nào nên GV không có phụ cấp gì hết, kể cả phụ cấp thâm niên cũng không có. Thậm chí có trường hợp, khi có quy định về tinh giảm biên chế thì những GV tâm lý ngay lập tức là những GV được đưa vào đầu tiên.
Trong đơn kiến nghị, các GV làm công tác tư vấn học đường cho biết, từng đưa ý kiến xin được giảng dạy một môn học là môn GDCD vì GV tâm lý có hai loại, một là cử nhân tâm lý học, hai là cử nhân tâm lý giáo dục. Cử nhân tâm lý giáo dục là ngành gần với GDCD và chương trình công dân khối 6,7,8 đa số là dạy những phẩm chất về con người. Nhưng đề xuất này không được chấp nhận. Trong khi các GV cho biết, so với chương trình môn GDCD là hoàn toàn phù hợp, thậm chí còn phù hợp trong chương trình giáo dục mới như hiện nay.
Tại TP HCM, một trong những đề xuất của TP về cơ chế đặc thù trong giáo dục có nhắc đến, công tác tư vấn tâm lý trong trường học là một hoạt động rất cần thiết, vì vậy đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục...
Bình luận (0)