Theo dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, cơ sở giáo dục ĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành.
Nguồn tiến sĩ khan hiếm
Điều 54 về giảng viên của dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi thêm quy định: Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH ưu tiên tuyển dụng người đã đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và người có trình độ tiến sĩ.
Giảng viên cần môi trường tốt để giảng dạy, nghiên cứu Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài ra, dự thảo luật cũng cho phép giảng viên được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục ĐH nơi đang làm việc (sửa điều 55).
Tuy nhiên, các chuyên gia về nhân sự trường ĐH cho biết vấn đề tuyển giảng viên giỏi những năm gần đây luôn gặp khó khăn. Ông Tống Hào Kiệt, Trưởng Phòng Tổ chức - Nhân sự Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết điều quan tâm của trường là làm sao tuyển dụng được giảng viên tốt nghiệp từ các trường uy tín, học ở nước ngoài về, có khả năng sư phạm, nghiên cứu khoa học… Về vấn đề này, trường gặp khó khăn do nguồn tiến sĩ không nhiều và gặp phải sự cạnh tranh giữa các trường.
Trước nhiều ý kiến cho rằng khi xã hội mất niềm tin vào đào tạo tiến sĩ thì việc lấy "mác" tiến sĩ để tuyển giảng viên cũng chỉ là hình thức, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng xã hội luôn cần những tiến sĩ thứ thiệt chứ không phải tiến sĩ giấy, điều quan trọng là nhà trường làm sao tuyển được đúng tiến sĩ thứ thiệt.
Chuyển việc không phải vì tiền lót tay
Việc "chảy máu" chất xám ở trường lâu năm vẫn diễn ra ngày càng nhiều không chỉ do lương bổng thấp mà còn bắt nguồn từ nhiều lý do khác.
Một tiến sĩ từng công tác ở trường công, có hàng chục đề tài nghiên cứu, hơn 20 bài báo đăng tạp chí quốc tế cùng nhiều giải thưởng… mới đây đã chuyển sang công tác tại viện khoa học - công nghệ của một trường tư thục tại TP HCM. "Ở trường cũ lương tôi không hề thấp, gần 40 triệu đồng. Tôi chọn ra đi vì đây là môi trường năng động hơn, môi trường nghiên cứu thuận lợi cho bản thân, giúp tôi hiện thực hóa được ý tưởng của mình" - giảng viên cho biết. Tiến sĩ này thừa nhận giảng viên giỏi luôn được các trường săn đón, mời mọc, đàm phán trả lương rất cao.
TS Dương Trọng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ 4.0 - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay những người làm nghiên cứu chân chính không dễ bị thu hút và khó chuyển việc chỉ bởi một gói tiền lót tay hay vài đãi ngộ ban đầu. "Tôi cho rằng tiền ban đầu hay lương hướng không quan trọng vì bản thân những người làm khoa học giỏi có thể kiếm được nguồn thu nhập rất cao mà không phụ thuộc vào lương cứng. Chính vì vậy, khi nơi khác tạo điều kiện để giảng viên thực hiện được đam mê thì họ sẽ ra đi" - TS Hải nói.
Trong khi đó, ông Tống Hào Kiệt cho biết hiện nay một số trường đang có chính sách thu hút giảng viên có học vị cao về làm việc bằng những chính sách đãi ngộ tài chính hậu hĩnh ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc tạo ra môi trường làm việc tốt, tạo nhiều cơ hội để giảng viên phát triển chuyên môn, chi trả thu nhập, cải tiến chính sách đãi ngộ gắn liền với kết quả đánh giá công tác, đồng thời cân bằng được chính sách đãi ngộ giữa giảng viên mới và lâu năm thì mới có thể thu hút nguồn lực có trình độ cao.
Môi trường giữ vai trò quyết định
TS Dương Trọng Hải cho rằng môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho người nghiên cứu phát huy sở trường, năng lực, đánh giá đúng, phát huy những ý tưởng đột phá mới đóng vai trò quyết định. "Những chính sách thu hút ban đầu chỉ dành cho người mới, chưa có kinh nghiệm, chưa biết chọn con đường nào cho bản thân. Một thời gian sau, nếu định hình được chủ đích của mình và nhận thấy môi trường không thích hợp, giảng viên giỏi sẽ chuyển việc" - TS Dương Trọng Hải khẳng định.
Bình luận (0)