Bước vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM), chúng tôi bắt gặp cảnh một nhóm học sinh (HS) đang lúi húi treo lại những giỏ hoa dọc hành lang; một số em khác hỏi cô lao công tìm vật dụng bỏ đi để tận dụng làm bồn trồng cây; một số HS lớp 8 mang tranh ảnh, bút thước ra dán thông báo tại bản tin của nhà trường… Thầy Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng nhà trường, cho biết không thể phủ nhận những hành động đẹp ấy được hình thành nên từ những giờ ngoại khóa và tiết học ngoài giờ lên lớp.
Rèn tính tự lập
Thầy Nguyễn Thành Phát kể: “Có lần, đang trong giờ ra chơi, bắt gặp cảnh một vài HS lớp 6 đứng sát cổng trường, há miệng cho phụ huynh đút thức ăn làm tôi trăn trở mãi. Biết là phụ huynh thương con nhưng HS của mình cũng đã lớn và phải học cách tự lập, làm sao có thể chiều chuộng và cứ… kè kè bên cạnh mãi thế được. Tiếp đó, khi thấy HS đến giờ ăn trưa là ngồi ì một chỗ, đợi các cô bảo mẫu nhắc nhở năm lần bảy lượt, mang thức ăn đến tận khay mới ăn khiến tôi nghĩ phải thay đổi”.
Từ đó, Trường THCS Nguyễn Văn Tố quy định đến giờ ăn, HS phải tự xếp hàng nhận đồ ăn, ăn xong phải tự cất khay, phân loại rác thải. “Ban đầu có thể phụ huynh cho rằng đó là cách nhà trường “bóc lột” các em nhưng tôi tin sau này phụ huynh sẽ hiểu. Những việc tuy nhỏ nhưng sẽ rèn luyện cho các em những kỹ năng sống và thực hành quan trọng” - thầy Phát nói.
Cùng lúc này, những hoạt động ngoại khóa khác cũng được tăng cường với mục đích cho HS có thêm nhiều kỹ năng. Nhà trường để các em đi phục vụ trong quán cơm từ thiện. Những mảnh đời các em gặp và tiếp xúc chắc chắn sẽ bồi dưỡng cho tâm hồn các em sự chia sẻ, yêu thương. Hay những chuyến đi xa đã tập cho các em những kỹ năng sống căn bản, biết tự nấu ăn, biết đạp xe, biết đoàn kết, phối hợp để cùng vượt qua những thử thách; biết tái chế, tận dụng những vật liệu phế thải làm đồ dùng. Có những em biết cắt may, trang trí những chiếc quần jeans cũ thành túi xách xinh xắn; những lọ thủy tinh bỏ đi nhưng qua vài nét vẽ trở thành một đồ trang trí dễ thương. Trong chuyến học tập ngoại khóa của 25 em tại Singapore vừa qua, khi trở về các em có đề nghị rất tự tin: Xin… dạy lại cho giáo viên và các bạn trong trường về cách trồng và chăm sóc cây theo mô hình của nước bạn!
Trải nghiệm ngoài sách vở
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) bày tỏ: Lâu nay, nhiều phụ huynh cứ nghĩ HS cứ cầm sách vở, học được kiến thức trong đó càng nhiều càng tốt nhưng đó hoàn toàn là những quan điểm sai lầm. Điều này khiến HS dễ chán học. Trong khi đó, những giờ ngoại khóa giúp học sinh có thêm kiến thức mở, trải nghiệm thực tế.
Thầy Đỗ Đức Anh cho rằng trải nghiệm là vô cùng quan trọng vì qua đó các em có thể biết nhiều điều ngoài sách vở. Một bài viết xúc động trong sách chưa hẳn khiến HS xúc động bằng cảm nhận từ thực tế. Đơn cử vừa qua, Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức chuyến về nguồn, về với quê hương anh hùng Võ Thị Sáu, các em đã rất xúc động khi trực tiếp cầm nén hương đứng trước mộ chị và trực tiếp nghe nhân chứng kể lại những câu chuyện về người nữ anh hùng.
Hay như khi HS tham quan Nhà máy Điện Phú Mỹ, lâu nay những em theo học toán, lý, hóa cứ nghĩ ngành nào tuyển khối thi này cũng theo được nhưng khi tham quan quy trình sản xuất, nghe chuyên gia, công nhân nói về nghề thì các em sẽ có cái nhìn cụ thể về ngành nghề mình theo đuổi hơn. Điều này cũng giúp các em biết mình cần những kỹ năng gì để theo học.
Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM), cho rằng bản chất của những hoạt động ngoại khóa là rất tốt và cần thiết, đúng như tên gọi chính xác là kỹ năng thực hành xã hội cho HS. Xuất phát từ thực tế, hiện nay tiết học ngoài giờ lên lớp dành cho giáo viên chủ nhiệm theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quá ít, chỉ 2 tiết/tháng khiến các trường nếu không linh hoạt, không đổi mới thì chẳng còn thời gian nào giảng dạy đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Vì lẽ đó, những tiết sinh hoạt dưới cờ, những buổi ngoại khóa trong và ngoài trường chính là thời gian giúp HS có thêm trải nghiệm.
Hiện nay, tiết học ngoài giờ lên lớp dành cho giáo viên chủ nhiệm theo phân phối chương trình quá ít, chỉ 2 tiết/tháng, khiến các trường nếu không linh hoạt, không đổi mới thì chẳng còn thời gian nào giảng dạy đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
Bình luận (0)