Nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe đã tham gia cuộc tọa đàm "Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua" do Báo Đại đoàn kết tổ chức ngày 7-4 tại Hà Nội.
Tổn thương về tinh thần
Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy khoảng 8%-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Giáo dục của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định tình trạng trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến. Thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự tử liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly làm xã hội băn khoăn.
ThS - bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, cho hay tại cơ sở lớn nhất nghiên cứu và chữa trị các bệnh tâm thần này, các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân chuyển đến với tình trạng tự tử, thậm chí nhiều lần. Một số khác chuyển đến trong trạng thái kích động, la hét, đập phá, làm tổn thương hay đánh đập người nhà. Các ca bệnh rất đa dạng về lứa tuổi, trong đó tỉ lệ trẻ em và vị thành niên tương đối cao. "Về mặt bệnh lý, những trường hợp đến khám trực tiếp chuyên khoa rất đa dạng về rối loạn cảm xúc hàng đầu như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực... Ngoài ra, các em cũng mắc phải một số rối loạn hành vi như nghiện game, nghiện mạng xã hội và rối loạn thần kinh... Rất ít trường hợp có triệu chứng nhẹ do bố mẹ sớm phát hiện thông qua tìm hiểu trên mạng nên đưa đến để sàng lọc sớm; đa phần đến khi các triệu chứng đã rõ và bệnh cảnh đã nặng. Nhiều trường hợp phải cấp cứu về mặt tâm thần như nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, giảm cân. Một số trường hợp đến với tình trạng chi chít vết cắt trên người..." - bác sĩ Vân Anh cho biết.
Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi mới lớn, chia sẻ anh nhận được rất nhiều thư từ của các em khi là "anh Chánh Văn" của Báo Hoa Học trò. "Các em chia sẻ rất nhiều áp lực, là những tâm sự, nỗi buồn và cả những bức xúc. Chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ trưởng thành trong đau đớn. Cha mẹ mang áp lực công việc, xã hội về trút lên con, áp lực thành tích thầy cô trút lên học trò, những định kiến xã hội, áp lực từ bạn bè... Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực, rất nhiều lá thư tâm sự từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi là chuyện bình thường, áp lực các em lớn hơn rất nhiều. Rất nhiều lá thư tâm sự từ các em đều là những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi chuyện đó là bình thường. Thật sự các em hoàn toàn cô độc và hay bị người lớn chúng ta bỏ qua" - nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn này khẳng định áp lực đang đến từ khắp mọi nơi trong cuộc sống, trong khi đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy. Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x còn có một số tờ báo đề viết thư tâm sự thì học sinh bây giờ không có. Mọi thứ của các em bị đẩy lên mạng xã hội trong khi đây là môi trường cực kỳ nguy hiểm.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
Hãy thương yêu, đừng bắt học quá nhiều
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ ông may may mắn từ nhỏ được học toàn thầy cô giỏi nên thế hệ của ông được thừa hưởng một nền giáo dục tử tế. "Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi. Bố mẹ và thầy cô hãy yêu thương con, yêu thương học sinh để mỗi ngày con đến trường là một ngày vui. Tôi nghĩ rằng giáo dục cần xem xét lại, phải vừa dạy chữ dạy người. Tôi đi học, thi cử bao nhiêu lần không thấy áp lực mà vẫn vui, mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành lên" - GS Nguyễn Lân Dũng nêu.
Về áp lực học hành căng thẳng hiện nay, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn đánh giá Việt Nam không phải nước phát triển về khoa học nên chưa thể nghĩ tới hậu quả của đại dịch về sau mà chỉ đang chạy theo quá trình tiến triển và kiểm soát dịch bệnh, kéo theo các nhà quản lý xã hội cũng chưa thể lường trước được về giai đoạn hậu Covid-19.
"Chúng ta có thể thấy: Một sự vật, sự việc, sau sự cố nào đó, nếu tái khởi động thì phải làm từ từ và có quá trình, lộ trình dần dần, cụ thể để đạt được. Ngay cả bên lĩnh vực kinh tế, họ cũng làm từ từ, thay đổi mục tiêu, chiến lược để kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng lại. Vậy tại sao nhà trường, các cơ sở giáo dục đến nay không có lộ trình rõ ràng, như tuần đầu vui chơi, tuần sau học kỹ năng sống và sau đó học kiến thức lại bình thường? Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt một người học gấp đôi bình thường, vì như phân tích ở trên, điều này không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng. Tiểu học là giai đoạn đầu nên chưa cần nặng nề, vì việc học là việc cả đời. Lời khuyên của tôi là mỗi giai đoạn học tập của con trẻ nên đặt một mục tiêu cụ thể sẽ hợp lý hơn" - chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.
Cũng chung quan điểm này, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng các nhà quản lý giáo dục cũng cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học và từ đó sẽ giảm áp lực đến học sinh.
Phát triển nền giáo dục lành mạnh
Dưới góc độ Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Giáo dục của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay Hội đồng Tư vấn giáo dục thường xuyên góp ý với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thế nào để có nền giáo dục phát triển lành mạnh. "Tôi tin rằng với những ý kiến đóng góp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ theo dõi, lắng nghe để phát triển một nền giáo dục lành mạnh, không chạy theo thành tích".
Bình luận (0)