Hàng loạt vấn đề được nêu ra để tìm cách tháo gỡ tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố và các sở, ngành ngày 20-9 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2020-2022.
Áo lực tăng học sinh, thiếu giáo viên
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai trong bối cảnh TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề qua 2 năm dịch COVID-19 có nhiều thách thức. Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc trang bị SGK cho học sinh (HS), chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình mới, chế độ chính sách cho giáo viên (GV). Đồng thời những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng chuẩn trình độ GV và các khó khăn về tuyển dụng cũng là những thách thức đặt ra cho ngành GD-ĐT.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để bảo đảm 100% HS được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên GV rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát HS… Thiếu GV các môn chuyên như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Cơ chế tập trung đấu thầu ảnh hưởng tiến độ thực hiện mua sắm thiết bị máy tính…
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do học sinh tăng nhưng thiếu giáo viên. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó trưởng Phòng Hành chính Sở Nội vụ TP HCM, nêu thực trạng tại TP HCM thiếu GV là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, chứ không riêng gì năm học này. Ông đề nghị ngành GD-ĐT cần chủ động làm việc với các sở, ban, ngành và chủ trì đề xuất thành phố cho cơ chế để tuyển dụng. Ông Hiệu nói thêm khi thực hiện yêu cầu sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập thì giáo dục cũng không ngoại lệ nhưng điều này khiến các cơ sở giáo dục công lập gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thực tế hằng năm thành phố tăng từ 20.000-30.000 HS.
"HS ngày càng tăng nhưng phải giảm biên chế sự nghiệp giáo dục là không hợp lý. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu HS, lớn hơn dân số của một tỉnh, thành phố, đòi hỏi nguồn lực cơ sở vật chất phải mở rộng. Trước thực tế đó, các cấp quản lý cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương" - ông Hiệu nói.
Cần giải pháp căn cơ
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, nêu ý kiến về việc thiếu GV cần có giải pháp nào để giải quyết, giải pháp phải căn cơ, tính đến đào tạo GV chuyên sâu thế nào, còn nếu chỉ tổ chức theo hướng tập huấn, GV cốt cán tập huấn xong về tập huấn lại cho GV khác thì chỉ là giải pháp tình thế.
Qua quá trình khảo sát cơ sở, đại biểu Tô Thị Bích Châu, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, đặt nhiều câu hỏi với ngành GD-ĐT về tình trạng hiện nay tại các cơ sở giáo dục, các em HS nói rằng rất thích học sử nhưng phải chăng cách truyền đạt của GV đang có vấn đề, ngoài ra các em cũng được trải nghiệm rất ít thực tế, Sở GD-ĐT có cách nào để định lượng được thực tế này, tránh tình trạng nhà trường bảo có nhưng HS bảo không.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày ở một số địa phương hiện nay chưa đạt 30%. Trong khi đó, chương trình dạy học buổi 2 là dành thời gian cho các hoạt động phát triển kỹ năng cho HS. "Nếu dồn chương trình triển khai trong một buổi sẽ khó đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho các em, ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Ông Bình nói thêm các trường học rất thích tổ chức cho các em HS ngoại khóa ở Vũng Tàu, Đà Lạt… nhưng tìm hiểu về những dấu ấn của TP HCM thì không thấy, chẳng hạn như các bảo tàng, các di tích lịch sử, tỉ lệ HS đi tham quan rất ít... "Riêng với tình trạng thiếu SGK đầu năm học này, ngành GD-ĐT cần rút kinh nghiệm, tránh tái diễn năm học sau. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP HCM cần chủ động có kế hoạch giúp GV có thêm thời gian nghiên cứu các bộ SGK trong quá trình chọn sách cũng như triển khai chương trình" - ông Bình nói.
Ông Trần Hoàng Ngân - thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM - đặt câu hỏi năm nào ngân sách thành phố nói chung và các địa phương nói riêng đều quan tâm chế độ chính sách đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đều chưa đủ đáp ứng nhu cầu. "Đầu năm học nào, ngành giáo dục cũng đứng trước bài toán khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý" - ông Ngân nói.
Không muốn dạy vì lương thấp
Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đưa ra về thu nhập của GV hiện nay khiến sinh viên sư phạm ra trường không muốn đi dạy vì lương thấp, nhất là GV tiếng Anh, tin học, thiếu GV bắt nguồn từ trường sư phạm. Ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nêu thực trạng sinh viên sư phạm tiếng Anh ra trường đi làm ở công ty, nhất là công ty nước ngoài, người ta trả bằng tiền USD, sinh viên ngành CNTT cũng vậy, nên các em chọn đi làm bên ngoài chứ không tha thiết đi dạy. Thậm chí, khi mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành ngoài sư phạm để đi dạy thì các ngành khác còn dễ mở nhưng 2 ngành này không có người học.
Bình luận (0)