Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 quy định Việt Nam chỉ có 3 loại hình trường: Công lập, dân lập và tư thục, không có trường quốc tế.
Cụ thể, trường dân lập chỉ dành cho bậc học mầm non. Trường tư thục có 2 loại hình: trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường có 100% vốn đầu tư Việt Nam.
Điều lệ trường học do Bộ GD-ĐT ban hành cũng quy định cụ thể cách đặt tên trường gồm 3 thành tố: Trường, cấp học, tên riêng.
Trước thực tế rất nhiều trường vẫn tự gắn mác "quốc tế", ông Hưng cho rằng đây là từ mà nhiều người thích dùng, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Cũng theo ông Phạm Quang Hưng, các trường tự gắn mác quốc tế với mục tiêu thu hút học sinh, tăng học phí... Thanh tra bộ đã có chỉ đạo sở GD-ĐT Hà Nội kiểm tra các trường có tên gắn với từ quốc tế trong toàn thành phố. "Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát việc này trên toàn quốc" - ông cho biết.
Trường Gateway tự dán mác trường "quốc tế"
Liên quan đến vấn đề này, ngày 12-8, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, hiện thành phố có 11 trường có thể gọi là "quốc tế" theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Ông Quang cho rằng các trường thêm chữ "quốc tế" trong tên trường chỉ có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế.
Thời gian tới, Sở sẽ công bố danh sách các trường được gọi là "quốc tế" và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết, tránh việc hiểu sai về các trường này.
Theo ông Quang, tên gọi của các trường phải đúng theo quy định của pháp luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ quốc tế mà trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh.
Ngoài ra, Sở sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm xảy ra trước đó.
Bình luận (0)