Sau khi trở về từ Lễ trao giải Fields ở Đại hội toán học thế giới tại Hyderabad (Ấn Độ), mẹ GS Ngô Bảo Châu, bà Trần Lưu Vân Hiền bị ốm. Còn GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, bố GS Châu mấy hôm nay liên tục tiếp các đoàn khách, bạn bè đến chúc mừng. Dù vẫn còn mệt sau chuyến đi, nhưng mắt của cả hai luôn ánh lên niềm hạnh phúc.
Những ngày gần đây, ngôi nhà của bố mẹ GS Ngô Bảo Châu nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Đào Tấn (Hà Nội) bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Ai cũng muốn đến chúc mừng, chia sẻ niềm vui với gia đình sau sự kiện GS Ngô Bảo Châu vinh danh đất Việt, đem về giải thưởng Fields.
Ông Ngô Huy Cẩn- bố Ngô Bảo Châu được nhiều đồng nghiệp, đồng đội cũ đến chúc mừng.
PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, mẹ Ngô Bảo Châu chuẩn bị đi làm nhưng vẫn cố nán lại kể: “Chúng tôi về trước, ngay sau lễ trao giải Fields. Vợ chồng Châu và con gái lớn ở lại Ấn Độ cho đến khi Đại hội Toán học kết thúc. Châu vẫn gọi điện về hỏi thăm tình hình ở nhà vì nó biết bố mẹ đều mệt sau một hành trình dài”.
Bà tâm sự: “Lúc Châu lên nhận giải lúc ấy, tôi nhớ lại thời Châu đi học mẫu giáo, học cấp một, rồi học chuyên toán….Tôi nhớ cả thời kỳ khó khăn con mình thiếu thốn như thế nào… thế là nước mắt cứ trào ra”.
Trong mắt bà Hiền giờ đã rạng ngời lên niềm hạnh phúc và tự hào về cậu con trai độc nhất đã làm rạng danh cho cả đất nước. Nhưng bà vẫn thoáng buồn vì: “Châu lại sắp đi Mỹ rồi… Chắc là 5-9 cả gia đình Châu sẽ lên đường”. GS Cẩn được dịp “nhạo” vợ: “Con trai đi du học và làm việc ở nước ngoài suốt 20 năm. Nhưng lần nào cũng thế, trước khi con trai lên đường bà ấy lại sụt sùi”.
GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, bố Ngô Bảo Châu lại kể cho chúng tôi một khoảnh khắc ở hội trường Đại hội toán học tại Hyderabad mà ông sẽ nhớ mãi trong đời. “Khi nhận giải Fields xong, Châu bước xuống và ôm tôi. Nó hỏi: ‘Bố có hạnh phúc không?’. Tôi nói với Châu: “Bố hạnh phúc và rất nhiều người cũng hạnh phúc con ạ!”.
Ông Cẩn kể trong niềm hạnh phúc, tự hào rằng những thanh niên ở những nơi mà ông đã từng công tác đều lấy Ngô Bảo Châu ra làm thần tượng. Còn bạn bè của ông Cẩn dù đã về hưu gần hết nhưng vẫn nhắc đến gia đình ông bằng sự nể phục.
Ông Cẩn bên công trình Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu viết bằng tiếng Pháp.
Theo kế hoạch, 9 giờ 30 sáng mai, ngày 28-8, vợ chồng GS Ngô Bảo Châu và con gái sẽ về đến Việt Nam mang theo huy chương Fields. Lần này GS Ngô Bảo Châu muốn chuyên tâm cùng với bố về việc ra mắt quỹ học bổng.
Ông Cẩn nói: “Nhiều ngày qua, Châu và tôi bàn nhiều về việc ra mắt quỹ học bổng mang tên nó. Châu muốn ra mắt càng sớm càng tốt để giúp đỡ được các bạn sinh viên nghèo. Châu muốn nhờ tôi quản lý quỹ này vì nó rất tâm huyết với việc đó”.
Theo ông Cẩn, toàn bộ số tiền thưởng đi kèm huy chương Fields sẽ được Ngô Bảo Châu đưa vào quỹ học bổng. Ngô Bảo Châu muốn từ số tiền đó với sự đóng góp của nhiều người quỹ sẽ được nhân lên thêm thật nhiều.
Ngoài Ngô Bảo Châu chưa người VN nào hiểu “Bổ đề cơ bản”
GS.TSKH Ngô Huy Cẩn là người quan tâm theo sát việc học của con đến khi Ngô Bảo Châu tốt nghiệp tiến sĩ và đi sâu vào nghiên cứu toán học.
Ông bật mí với chúng tôi: “Ngô Bảo Châu từng thi trượt vào chuyên toán trường cấp hai Trưng Vương lúc lên cấp hai, và phải học lớp thường một năm sau đó lên lớp 7 mới thi đỗ vào chuyên toán”.
Theo ông Cẩn: “Thực ra không phải Châu không đủ khả năng thi đỗ mà vì cách học cấp một ở trường thực nghiệp của Châu hoàn toàn khác với cách ôn luyện chuyên toán trong các trường cấp hai khi đó”.
Ông Cẩn tâm sự: “Về công trình Bổ đề cơ bản của Châu thì chính tôi cũng không hiểu. Tôi từng có giai đoạn 3 tháng ở Mỹ và dành khá nhiều thời gian để đọc công trình của Châu.
Chỗ nào không rõ tôi đã hỏi Châu nhưng cuối cùng vẫn... đầu hàng. Ngay cả anh Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng, viện phó Viện Toán học là những người có chuyên môn rất gần với Châu cũng nói thật rằng họ cũng không hiểu công trình này”. |
Bình luận (0)