Đỗ Ngọc Phương Nhi - sinh viên năm 4 ngành công nghệ kỹ thuật hóa học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM) - vừa có 2 tháng thực tập tại Công ty TNHH Eurofins - Consumer Product Testing Việt Nam.
Khác biệt giữa học và làm
Ở một đơn vị như Eurofins - Consumer Product Testing Việt Nam, nhiệm vụ của Nhi là nghiên cứu quy trình, cắt mẫu, lấy mẫu (cạo hình in trên áo, cạo đế giày dép...), sau đó chạy máy để cho ra kết quả dữ liệu. Ban đầu thì chỉ thực hành một vài khâu nhỏ, thành thạo hơn một chút thì sang quy trình hoàn thiện. Nhận định về sự khác biệt giữa việc học và làm, Nhi phân tích: "Máy móc của trường có phần lâu đời hơn. Có rất nhiều mẫu máy chỉ khi thực tập tôi mới được tiếp xúc. Ngoài ra, khi tham gia những tiết thực hành trên trường, mỗi nhóm hạn chế số bạn đại diện đứng máy vì lớp đông sinh viên mà số lượng máy lại ít. Khoảng thời gian thực tập mới chính xác là những tiết thực hành của riêng mình".
Sau kỳ thực tập, Khánh Linh (áo trắng, giữa) tự tin hơn để ứng tuyển vào các vị trí mơ ước .Ảnh: PHƯƠNG KHÁNH KIM
Vì tính chất đặc thù của khối ngành, không có quá nhiều cơ hội để một người trẻ thiếu kinh nghiệm thực chiến và chưa có bằng tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm được một doanh nghiệp uy tín, Phương Nhi tiết lộ bản thân may mắn được giảng viên giới thiệu cho vị trí thực tập này. "Từng có thầy cô gửi gắm sinh viên sang doanh nghiệp để thực tập nhưng lại xảy ra trường hợp sinh viên không tuân thủ nội quy công ty, làm hỏng trang thiết bị, ảnh hưởng đến uy tín của giảng viên và nhà trường. Vậy nên khi nhận được hỗ trợ, tôi tự nhủ phải hoàn thành thật tốt" - Nhi kể.
Hoàn thành kỳ thực tập, Phương Nhi (trái) trở lại giảng đường với định hướng rõ ràng hơn
Phạm Ngọc Khánh Linh, tân cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc song ngành quản trị nhân lực và kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM), thì tự tìm hiểu, nộp hồ sơ ứng tuyển và phỏng vấn để được trở thành thực tập sinh tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Theo Linh, cơ hội thực tập ở một doanh nghiệp lớn rất đáng giá. "Ở PNJ, chức năng của các phòng, ban được phân chia rõ ràng nên giúp người mới như tôi có cái nhìn tổng quát và rạch ròi từ đầu. Tôi không chỉ làm giàu hiểu biết chuyên môn mà còn có cơ hội tham khảo cách thức hoạt động và vận hành của một doanh nghiệp chuyên nghiệp. Yếu tố con người cũng là điểm sáng trong môi trường làm việc. Dù đã nghiêm túc tìm hiểu về ngành nhưng khi bắt tay vào việc, tôi vẫn bị choáng ngợp, chưa thích ứng bắt kịp mọi người ngay. Điều tuyệt vời là anh chị đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ" - Linh cho biết.
Thích ứng và trưởng thành
Có người quan niệm rằng thực tập không lương là chuyện bình thường bởi ở giai đoạn này, điều người trẻ nhận được là kinh nghiệm thực tế và mối quan hệ. Tuy nhiên, Linh cho rằng: "Doanh nghiệp vẫn nên có chi phí hỗ trợ nhất định để tạo mối quan hệ "win-win". Thật ra, lương thực tập không nhiều, chỉ đủ để đổ xăng, uống nước nhưng ít nhất đó vẫn là thành quả lao động xứng đáng được nhận ở những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp".
Kraft - thương hiệu chuyên sản xuất mũ bảo hiểm và thời trang vintage - chính là nơi Trương Kim Phương (sinh năm 2002) lựa chọn gắn bó vì "nơi này không khiến tôi có cảm giác phải đi làm. Ai nấy dễ thương và quan tâm nâng đỡ nhau. Đây là điểm hẹn của những người chung tần số".
Phương tìm thấy sự đồng điệu trong phong cách của chính mình với thương hiệu cô đang thực tập
Phương có dịp thử sức với những đầu việc mới như booking KOLs, tối ưu hóa sàn thương mại điện tử, lên kịch bản cho video TikTok, quản lý trang fanpage và Instagram... Đa số đầu việc đều là những thứ chưa từng làm qua nên Phương thấy áp lực và lóng ngóng vì sợ mình làm không được. "Tôi từng nghe chuyện thực tập sinh bị sai vặt, làm những việc lẻ tẻ nên xét về mặt tích cực khi làm trong môi trường mà người ta sẵn sàng giao cho mình những đầu việc "lớn" đồng nghĩa là họ tin tưởng và đặt kỳ vọng vào năng lực của mình. Hoặc nếu không làm được đi chăng nữa thì đó cũng là trải nghiệm để học hỏi và tốt hơn" - Phương chia sẻ.
Thực tập là cơ hội thiết thực cho các "tân binh" trường đời thử sức và trau dồi khả năng, cọ xát nhiều tình huống thực tiễn đa dạng. Từ đó, thêm hiểu chính mình, biết phát huy sở trường khi thật sự bước vào thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Các gen Z ngày càng năng động, ít chịu lãng phí thì giờ để thực tập cho có hay chỉ pha trà, rót nước... Theo Phương, bản thân bạn trẻ phải cảm thấy yêu nơi làm việc trước thì mới có động lực đóng góp vào cái chung. "Hãy thận trọng rà soát thông tin doanh nghiệp, xác định tiêu chí bản thân, kiên nhẫn, sáng suốt tìm kiếm nơi phù hợp để việc thực tập thật sự có giá trị thiết thực trong hành trình phát triển bản thân" - Phương nói.
Bình luận (0)