Học sinh trao đổi trực tiếp với đại diện các trường để tự tin hơn (ảnh chụp tại triển lãm giáo dục đại học Pháp)
Bạn Duy Nguyễn, học ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ, cho biết: “Các giáo sư Mỹ luôn đòi hỏi sinh viên phải tự nghiên cứu và sau đó trình bày, thảo luận trên lớp. Dù đã chuẩn bị tiếng Anh khá tốt nhưng tôi luôn mất tự tin khi đứng trước lớp nói chuyện và lúng túng khi tham gia thảo luận. Do đó, tôi phải bỏ ra nhiều thời gian tìm đọc sách, tài liệu trên mạng để có kiến thức chuyên sâu về các đề tài, giúp mình tự tin hơn trong giờ thảo luận”. Bạn Đào Phương Lan, cựu sinh viên Học viện Kinh tế và Chính trị London - Anh, chia sẻ: “Thông tin luôn có đầy đủ mọi lúc, mọi nơi. Chính mình sẽ phải là người nỗ lực và cố gắng để thu lượm được nhiều kiến thức nhất có thể. Đó chính là cách tôi đã học để trở nên năng động và độc lập hơn”.
Cựu du học sinh Úc – Hồng Đức - kể rằng một số học sinh do khả năng tiếng Anh còn kém hoặc sợ xấu hổ, thua kém bạn bè nên rất ngại hỏi. Theo Hồng Đức, ở nước ngoài tự học là chính, không ai quan tâm đến mình nên không hiểu thì phải hỏi ngay. Bạn Thu Trang, học thạc sĩ thương mại (ĐH Sydney), cho biết: “Thầy cô đánh giá cao những sinh viên tích cực đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến trong giờ học. Cách học chủ động này khuyến khích sinh viên tự tìm kiếm thông tin và trao đổi qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm”. Thu Trang nhấn mạnh: “Tuy trang thiết bị, thư viện, thầy cô đều hỗ trợ tối đa cho việc học nhưng bạn phải là người chủ động tận dụng những nguồn đó”.
Bình luận (0)