Sau khi thanh tra một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định là có lạm thu trong trường học. Thực tế, không phải chỉ các địa phương trên mới có lạm thu trong nhà trường mà trường học nào ít nhiều cũng có lạm thu, nhất là thu bình quân qua hội phí.
Có thể nói, lạm thu bắt nguồn từ việc hiệu trưởng "lạm dụng" nguồn kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) để thực hiện các khoản chi mà nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế, như: sửa chữa, mua sắm máy móc, thiết bị dạy học, thuê mướn vệ sinh trong trường…; chi các khoản vượt định mức hoặc không được phép khi quyết toán, như: tiếp khách, liên hoan, tặng quà…
Thế nên, có ý kiến cho rằng cần nghiêm cấm việc thu hội phí của phụ huynh HS dưới mọi hình thức, kể cả việc tự nguyện hay bắt buộc. Bởi lẽ, "ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình không phải đóng góp các khoản tiền nào khác" (Luật Giáo dục).
Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục còn có "các khoản tài trợ khác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật" (Luật Giáo dục).
Theo điều 10 Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT, nguồn kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS lớp có được từ "sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ HS lớp"; còn kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường được "trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ HS lớp". Như vậy, chỉ có ban đại diện cha mẹ HS lớp mới được thu và nhận các khoản tự nguyện đóng góp của phụ huynh HS cùng các khoản tài trợ hợp pháp khác.
Thế nên, việc cấm thu hội phí dưới mọi hình thức là chưa phù hợp trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, ban đại diện cha mẹ HS lớp trước hết cũng cần có kinh phí hoạt động để thực hiện nhiệm vụ theo quy định trong Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ HS của Bộ GD-ĐT khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho nhà trường còn hạn hẹp. Trong đó, đáng chú ý là nhiệm vụ "tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, vận động HS đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ HS nghèo, HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn".
Mặt khác, ban đại diện cha mẹ HS không thể không nhận các khoản tài trợ hợp pháp mà không kèm theo điều kiện gì, như: tài trợ học bổng cho HS giỏi, giúp đỡ HS nghèo...
Do vậy, thiết nghĩ, để hạn chế lạm thu trong trường học, trước hết, ban đại diện cha mẹ HS phải thông suốt Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT để thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng kinh phí. Cụ thể , không bình quân mức thu cho tất cả cha mẹ HS; không thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp lập kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS cần được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của đơn vị theo quy định hiện hành; thường xuyên được cơ quan quản lý giáo dục các cấp thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng để hạn chế lạm thu, lạm chi.
Có như thế mới hy vọng hiệu trưởng nhà trường không thể tự đề xuất các khoản thu, chi kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS và lạm thu trong trường học dần được xóa bỏ.
Bình luận (0)