Ở những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM….hầu hết hệ thống trường phổ thông công lập được Nhà nước, địa phương đầu tư, xây dựng khá khang trang và nguồn kinh phí mua sắm, chi tiêu hằng năm cũng tương đối thỏa mái, thế nhưng lại thường xảy ra chuyện lạm thu, với hàng loạt khoản thu trên trời, khoản thu vô lý, chủ yếu bắt buộc phụ huynh phải nộp đúng, nộp đủ, không tuân thủ nguyên tắc tự nguyện theo quy định của cấp trên.
Trong khi đó, các địa phương, điều kiện kinh tế còn khó khăn, chậm phát triển ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm trường còn tạm bợ, tranh tre, nứa lá, lễ khai giảng của thầy và trò trông thật thảm hại đến nhói lòng ( hình ảnh ở một điểm trường thuộc xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nước sạch, nhà vệ sinh (gọi là) cho học sinh và giáo viên tại hàng chục điểm trường thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cũng trở nên xa vời bao nhiêu năm nay… bấy lâu cũng hiếm có chuyện phụ huynh bức xúc, phẫn nộ về nhà trường lạm thu các khoản đóng góp đầu năm.
Nơi trường lớp khó khăn, thiếu thốn trăm bề thì thực hiện nghiêm túc quy định về thu, chi tài chính của Nhà nước. Nơi phố, thị văn minh, trường lớp tương đối đủ đầy, khang trang thì lại thi nhau vẽ ra đủ "chiêu" để lạm thu tiền bạc của phụ huynh học sinh. Phụ huynh ở các thành phố, vùng kinh tế phát triển đã quá chán ngán và chóng váng đầu óc mỗi khi tham dự họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo đủ loại khoản tiền nộp, có trường lên đến chục triệu đồng.
Ở các vùng nông thôn, miền núi… nhà trường chỉ thu những khoản theo quy định bắt buộc của Nhà nước vì nhà trường quá thấu hiểu nỗi khổ, cái nghèo của nhiều phụ huynh ở đây. Nhà trường ở nơi kinh tế phát triển, đâu có biết rằng, trong một lớp học, bên cạnh nhiều phụ huynh có điều kiện tốt thì vẫn còn không ít phụ huynh khó khăn, lao động chân tay vất vả, chạy gạo từng bữa, nuôi cả gia đình giữa thời vật giá đắt đỏ. Đối với họ, số tiền đóng góp một lúc lên đến hàng triệu đồng quả là quá sức chịu đựng để kham nổi.
Tôi được biết những trường phổ thông, nhất là bậc THPT (tập trung ở các thành phố tỉnh lẻ, thành phố lớn) có truyền thống, bề dày thành tích, nhiều thế hệ học trò thành đạt trên mọi lĩnh vực, hàng năm, nhân những sự kiện thành lập trường, các khối, lớp… thường đóng góp, hỗ trợ hàng trăm, hàng tỉ đồng cho ngôi trường mà mình từng học tập. Để làm quỹ học bổng, để nhà trường xây dựng, mua sắm thiết bị mới, sữa chữa, cải tạo phòng ốc, cơ sở vật chất đã hư hỏng, xuống cấp. Có nhà trường đã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này. Tuy nhiên, có nhà trường, có hiệu trưởng lại mập mờ, thiếu minh bạch trong chi, tiêu.
Điều đáng nói, có nhà trường tích lũy và sử dụng các khoản mạnh thường quân này khá dồi dào nhưng năm học nào cũng nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh, kêu gọi phụ huynh từng lớp đóng góp đủ khoản… khiến phụ huynh và các cựu học sinh bức xúc và hoài nghi: Nguồn đóng góp của phụ huynh có được chi đúng mục đích hay không? Đây thực sự là một góc khuất không ai có thể biết rõ.
Bình luận (0)