Phóng viên: Là người sâu sát từ giai đoạn đầu thí điểm VNEN vào năm học 2012-2013, ông nhận định thế nào khi nhiều hiệu trưởng băn khoăn vì mô hình này chỉ áp dụng ở khu vực miền núi khó khăn trong khi TP HCM là đô thị lớn?
- ThS Lê Ngọc Điệp: Trong giáo dục, cẩn thận là một yêu cầu quan trọng. Cái giá phải trả cho sự thiếu cẩn thận trong giáo dục không thể nhìn thấy rõ ràng trước mắt mà nó tồn tại sau đó rất lâu.
Xây dựng VNEN tại TP HCM, nhiều hiệu trưởng còn loay hoay như Báo Người Lao Động phản ánh là rất chính xác. Nguyên nhân do họ chưa hiểu khái niệm áp dụng tinh thần mô hình là gì. Mặt khác, các trường chỉ có một buổi nghe giới thiệu, nhìn mô hình qua hình ảnh Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi - đơn vị thí điểm đầu tiên - nên không nắm bắt được tinh thần.
Chúng ta cần hiểu khái niệm vận dụng và áp dụng. Áp dụng nghĩa là bê nguyên xi nhưng với VNEN, chúng ta chỉ học tập những tinh hoa, tiến bộ của nó. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng không bê y nguyên một mô hình áp dụng lên tất cả vùng miền.
Muốn vậy, người hiệu trưởng phải quan sát, lắng nghe, học tập và luôn tìm hiểu, phát hiện để điều chỉnh, bổ sung sao cho vừa vặn mà còn chắc chắn; đồng thời tăng cường phương tiện, thiết bị dạy và học để cái khung của VNEN có da thịt, sức sống và hơi thở của thầy và trò, hình thành được ngôi trường mới trên cái nền cũ đã vững chắc để đi vào thời kỳ đổi mới toàn diện.
Vậy các trường tiểu học cần học tập ở VNEN những điểm nào?
- Các hiệu trưởng hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt từ khung chương trình chuẩn của VNEN. Chẳng hạn, trang trí thư viện với nhiều hình thức phong phú như góc thư viện trong lớp học, thư viện lưu động và thư viện xanh. Từ đây, học sinh (HS) và phụ huynh có thể mang sách đến trao đổi hằng tuần hoặc hằng tháng để tựa sách phong phú, tăng phần hấp dẫn cho HS tìm đọc.
Góc học tập bộ môn, hộp thư điều em muốn nói, những điều nên và không nên làm là hình ảnh rất quen thuộc của các trường tiểu học TP khi thực hiện giáo dục quyền trẻ em và xây dựng môi trường học thân thiện vốn đã có từ lâu. Với điểm này, nếu vận dụng thì chỉ cần thêm vào bản đồ địa phương và góc cộng đồng của địa bàn, nhà trường đã đóng được một bộ phận vào khung của VNEN.
Về tiêu chí sự tham gia của cộng đồng, lâu nay, mỗi trường đã thực hiện. TP cũng đã phát động các trường tổ chức ngày hội giới thiệu ngôi trường của em. Với tất cả các hoạt động đó và thêm hướng dẫn của dự án VNEN, coi như chúng ta đóng thêm một cọc nữa vào khung rất chắc chắn để xây dựng mô hình trường học theo VNEN.
Một tiến bộ nữa của VNEN là việc đánh giá kết quả học tập của HS gắn với nội dung và phương pháp giảng dạy của người thầy, đòi hỏi giáo viên phải học tập, nghiên cứu để thực hành suốt quá trình dạy học một cách nghiêm túc và phải xem là nghiệp vụ sư phạm của mình.
Thưa ông, các trường sẽ giải quyết như thế nào khi sĩ số HS quá đông?
- Vấn đề này là bài toán khó cho các hiệu trưởng khi tham gia VNEN.
Đặc thù của TP HCM là sĩ số HS trong lớp đông. Bàn ghế phần nhiều đóng bằng gỗ công nghiệp nặng nề hoặc bàn và ghế dính liền nhau nên khó di chuyển, xê dịch để thành hình vuông, vòng tròn. Đối với lớp học bán trú, bàn còn là nơi ăn và để ngủ trưa.
Giải quyết điều này đòi hỏi trái tim và trí tuệ của người thầy, người hiệu trưởng. Đây cũng là dịp để nhà trường nhìn lại, tổ chức lại và chính quyền cũng có trách nhiệm với nhà trường đánh giá thực trạng, tìm giải pháp thực hiện, chứ nếu kêu ca thì khó đổi mới được.
Từ năm 1995, Bộ GD-ĐT phát động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nhân vật trung tâm lớp học là học trò. Hình thức chủ yếu của phương pháp mới nhằm tổ chức cho HS thảo luận nhóm theo hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, qua 20 năm mà hình thức dạy học này chưa hình thành ổn định. VNEN là cơ sở để đi đến căn bản đó.
Nhà trường nên tổ chức những buổi học có phụ huynh và các mạnh thường quân cùng tham gia với các em, nhà trường và giáo viên thuyết phục rằng phương pháp học nhóm nếu được hỗ trợ phương tiện thì hiệu quả giáo dục cũng tốt hơn.
Chúng ta có thể thay ghế gỗ bằng ghế nhựa nhẹ hơn, HS cũng dễ di chuyển. Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã thực hiện hiệu quả phương pháp học nhóm từ thay đổi này.
Ngoài ra, ở các lớp học bán trú, cần mạnh dạn thay đổi thói quen ăn ngủ… theo nhóm và tổ chức tự phục vụ như một hoạt động giáo dục cho HS.
Nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa theo VNEN quá tỉ mỉ, chi tiết, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên?
Sách giáo khoa và tài liệu mà VNEN đang sử dụng để giảng dạy đã được các tác giả biên soạn theo sách giáo khoa hiện hành bằng hình thức tích hợp bộ phận theo chủ điểm với nội dung kiến thức đang dạy nhưng cấu trúc hình thức đơn giản và có tính thẩm mỹ. Tài liệu hướng dẫn giảng dạy biên soạn rất chi tiết dễ gây cảm giác áp đặt nhưng đó chỉ là sự chỉ dẫn cụ thể từng phần trong trình tự bài dạy, giúp GV có cái nền để sáng tạo bằng kinh nghiệm và tài năng sư phạm của mình.
Bộ GD-ĐT làm rõ về VNEN
Báo Người Lao Động số ra các ngày 27 và 29-11 đã phản ánh việc từ năm học 2013-2014, TP HCM sẽ thí điểm mỗi quận, huyện một trường tiểu học theo VNEN. Thông tin này khiến nhiều hiệu trưởng trường tiểu học tại TP băn khoăn vì một số tiêu chí của VNEN không phù hợp với đặc thù tại TP. Sau loạt bài này, ngày 18-12, đoàn khảo sát của Vụ Giáo dục Tiểu học, chuyên gia dự án VNEN thuộc Bộ GD-ĐT đã làm việc với Sở GD-ĐT TP tại Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi để giải đáp các thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cụ thể việc triển khai VNEN đến cán bộ, hiệu trưởng các trường tiểu học TP tham gia vận dụng mô hình trên.
Bình luận (0)