Ngày soi camera, tối nhắn… chỉ đạo
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 kể, mới đây một phụ huynh có con đang học lớp 12 đến xin nhà trường cho phép em này được học ở nhà, theo hình thức online đến hết năm học. Nhà trường đã làm việc với phụ huynh, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của gia đình, nhưng lý do mà phụ huynh này đưa ra hoàn toàn không thuyết phục. "Phụ huynh nói thích thì nghỉ, nếu nhà trường cứ bắt em phải đến lớp có chuyện gì xảy ra với em thì các thầy cô phải chịu trách nhiệm"- hiệu trưởng này cho biết.
Tìm đủ cách thuyết phục, kể cả gợi ý gia đình có thể chuyển em đến một ngôi trường gần nhà hơn nhưng phụ huynh kiên quyết không đồng ý, chỉ cho nhà trường hai sự lựa chọn là để em ở nhà học trực tuyến, còn nếu yêu cầu đến lớp thì nhà trường phải chịu hết trách nhiệm. Nếu không đúng ý phụ huynh, họ nói sẽ làm lớn chuyện, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề "chúng tôi áp bức HS đang có vấn đề tâm lý".
"Đầu năm lớp 12, cũng là thời điểm các trường tổ chức học trực tiếp sau dịch COVID-19, GV trong trường nhận thấy rõ HS trên có những biểu hiện tâm lý bất thường dù trước đây em học rất giỏi. Trong quá trình học lớp 12 cũng rất tốt dù em nghỉ học khá nhiều. Sau cùng, nhà trường thống nhất để em ở nhà theo nguyện vọng của phụ huynh, đến kỳ kiểm tra thì vào trường để kiểm tra cùng các bạn. Thay vì cùng với nhà trường tìm giải pháp hiệu quả nhất cho em thì cách phản ứng của phụ huynh lại rất cực đoan, khiến thầy, cô giáo cũng sợ"- vị hiệu trưởng kể lại.
Không phải phụ huynh nào cũng có cách ứng xử văn minh với GV, với trường học khi có sự cố hoặc những tình huống không mong muốn. Cô M.Thy, GV mầm non một trường tại TP Thủ Đức, kể trong giờ học chỉ vừa ngó đi nơi khác một chút, thì một em đã nhào tới giành đồ chơi rồi cắn bạn, vết cắn in hằn trên cánh tay, ngay lập tức hai GV trong lớp đã xử lý vết thương cho em. Vết thương ngoài da nên buổi chiều khi đón con, hai cô đã nói chuyện với phụ huynh cả hai em. Phía phụ huynh có con cắn bạn đã xin lỗi gia đình bé bị cắn, và đề nghị sẽ mua thuốc và chi phí khám bệnh. "Chúng tôi cũng đã xin lỗi phụ huynh nhưng buổi chiều hôm đó, trước mặt hàng trăm phụ huynh khác, hai cô bị nhiếc móc với những ngôn từ khủng khiếp. Phụ huynh còn nói cô có tuổi, lại không chồng con nên không yêu HS, mới lơ là để em bị bạn cắn. Kể từ đó, phụ huynh ngày nào cũng săm soi camera, tối về nhắn cô phải thế này, thế kia, liệt kê những việc cô phải làm khiến chúng tôi thật sự rất áp lực, mệt mỏi"- cô Thy chia sẻ.
Cần thỏa thuận quy tắc
Bộ quy tắc ứng xử học đường do Bộ GD-ĐT ban hành, ngoài đưa ra những quy tắc cho HS, GV, hiệu trưởng còn có cả quy tắc dành cho phụ huynh, trong đó nhấn mạnh, cha mẹ phải tôn trọng người học, đồng thời chia sẻ, khích lệ, yêu thương; không xúc phạm, bạo lực người học. Với GV, phụ huynh có trách nhiệm tôn trọng, hợp tác, chia sẻ, không bịa đặt thông tin, không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm GV. "Mặc dù quy định là vậy, nhưng phụ huynh 10 người trăm ý, phụ huynh đủ mọi tầng lớp, đủ mọi trình độ nên ứng xử không ai giống ai"- hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 nói.
Mỗi trường học cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh và hiệu trưởng
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, cho biết bất kỳ một môi trường nào cũng cần ứng xử lịch sự, văn minh. Môi trường học đường càng phải vậy, các em HS, nhất là các em còn nhỏ tuổi lại thường hay bắt chước người lớn mà hành xử. Người lớn ở đây là thầy, cô giáo, là phụ huynh. "Thế nên, ứng xử văn minh hay ngược lại thì cả hai phía nhà trường và phụ huynh đều phải nghĩ cả hai đang cùng vì mục đích là giáo dục HS tốt hơn"- bà Thụy Anh nói. Vị này cũng cho rằng trường học nào cũng cần xây dựng bộ quy tắc, ứng xử giữa các bên ngay từ đầu, có thời gian để thảo luận, phản biện. Quy định nào đồng ý hay không đồng ý và vì sao? Đã có thời gian đưa ra ý kiến nên khi ra quy định chung thì ai cũng phải thực hiện.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5), cho rằng có nhiều phụ huynh tự ý quyết định chuyện của con vì "mình có quyền làm như vậy". "Mỗi ngày ở trường học, chúng tôi nhận được hàng chục ý kiến, thậm chí là đòi hỏi của phụ huynh với con mình, yêu cầu nhà trường phải thế này, thế kia. Có phụ huynh yêu cầu cho con chuyển qua lớp có người yêu của con để giám sát lẫn nhau cho an tâm…"- ông Hoàng dẫn chứng.
Ông Hoàng nói thêm, đầu năm học nào, tôi cũng viết một lá thư gửi cho phụ huynh các khối lớp, trong những lá thư đó đều bày tỏ mong muốn nhà trường và phụ huynh phối hợp để cùng đạt được mục tiêu làm sao mang lại những gì tốt nhất cho các em. Khi phụ huynh đưa con vào trường thì cần tin tưởng thầy cô, bởi họ được đào tạo để giảng dạy, giải quyết, tư vấn những vấn đề xảy ra trong trường học. Trường hợp phụ huynh chưa an tâm thì cần ngồi lại với thầy cô để tìm phương án tối ưu nhất, thay vì tự quyết định. Khi phụ huynh tự quyết định, tự giáo dục vô tình làm hại một đứa trẻ.
Không áp đặt
Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết giáo dục là sự phối hợp của cả ba bên gia đình - nhà trường - xã hội; không phải trách nhiệm, nghĩa vụ của riêng bên nào. Vì vậy, nhà trường luôn đặt chủ trương phối hợp với phụ huynh, lắng nghe phụ huynh chứ không áp đặt.
Bình luận (0)