Một số trường THPT khác ở Phú Yên như Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), ban khoa học xã hội đã biến mất từ năm học 2008-2009. Hệ quả là các năm sau, đến kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ, các trường này có rất ít học sinh đăng ký thi khối C. Một giáo viên dạy ở trường “trắng” ban khoa học xã hội cho rằng nếu nói thầy cô là tấm gương cho học sinh soi thì ai cũng thấy thầy cô dạy các môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh hầu hết có cuộc sống đỡ căng hơn. Ngược lại, thầy cô dạy các môn khoa học xã hội hầu hết chỉ sống bằng lương, thiếu thốn trăm bề. Chưa kể tâm lý cố hữu của phụ huynh cho rằng học văn, sử, địa rồi ra làm gì? Những yếu tố này đã tác động không ít đến sự chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết họ phải theo học sinh chứ không thể ép các em học ban khoa học xã hội. Vì thế, năm học này, một số trường đã chuyển ban C (văn, sử, địa) thành ban D (toán, văn, tiếng Anh) để vớt vát đủ học sinh cho một khối lớp. Thực trạng teo tóp học sinh ban khoa học xã hội diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Trong kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua, số thí sinh đăng ký thi khối C thấp kỷ lục, chỉ có 125.264/1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 6,4%). Càng đáng buồn hơn khi các trường ĐH, CĐ công bố hàng ngàn điểm 0 môn sử. Nguồn tuyển sinh thiếu khiến nhiều trường dần đóng cửa hàng loạt ngành xã hội. Như vậy, vòng luẩn quẩn “thưa vắng học sinh ban khoa học xã hội – chất lượng tuyển sinh thấp – đóng cửa ngành ĐH – thiếu nhân lực ngành xã hội” sẽ lại tiếp diễn trong năm nay và khó để nói là sẽ không “phá sản” ban khoa học xã hội.
Bình luận (0)