xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng ngàn bài thi sử điểm 0: Sự trả giá

TS Phạm Ngọc Trâm (Khoa Sử - Trường ĐH KHXH - NV TPHCM)

Lời tòa soạn: Sau bài "Hàng ngàn bài thi sử điểm 0: Bình thường mà... đau đớn!", bên cạnh rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến (comment) tranh luận, NLĐO nhận được bài viết dưới đây của một giảng viên đại học chuyên khoa sử, góp thêm một góc nhìn về thực trạng này.

Trong kỳ thi đại học vừa qua có một hiện tượng không bình thường đã xảy ra vì điểm thi môn sử rất thấp, thậm chí có hàng vạn bài điểm không (0). Song một số người, kể cả Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cho rằng đây là việc “bình thường”.
 
img
Tượng đồng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (tại Công viên Quang Trung, TP Quy Nhơn - Bình Định), biểu tượng chiến thắng oai hùng của dân tộc ta. Ảnh: TTO

Không bình thường

Thật ra, đây là một vấn đề không bình thường chút nào. Điểm sử trong kỳ thi đại học năm nay thấp đã phản ánh nhiều hiện tượng không bình thường trong việc giảng dạy và học tập môn sử trong nhiều năm qua.

Trước hết, chương trình môn học lịch sử ở bậc phổ thông (của Bộ GD - ĐT) là rất “nặng” vì đã đưa ra hàng vạn sự kiện, bắt người học phải nhớ hết. Trên thực tế, các em không nhớ nổi, phải học đi học lại mãi, rồi chán nản; kể cả đối với người dạy.
 
Ví dụ, thật khó cho người dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954-1975) và công cuộc cải tạo xây dựng CNXH ở Việt Nam thời kỳ 1975 - 1985. Người dạy cứ phải đối phó với những mặt “được” và “chưa được”; thậm chí có những vấn đề được coi là “được” cũng ẩn chứa những vấn đề đầy bất trắc của sự “chưa được”.
 
Chẳng hạn, người dạy phải giải thích khái niệm xây dựng CNXH những năm 60, 70 của thế kỷ trước, phải bám sát vào quan điểm lịch sử, phải kết luận chính nhờ vậy mới đánh thắng giặc Mỹ và bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc. Người dạy nhận thức đã khó, hẳn đối với người học càng khó hơn. Cho nên tình trạng bỏ mặc, cho “qua tua” không phải là không có.

Như khi dạy về giai đoạn lịch sử Việt Nam trong năm 1945-1946, với hàng chục sự kiện, nào là quân Tưởng vào miền Bắc; Pháp bắn dân ta ở Sài Gòn; nạn đói, dốt; bạn phản động trong nước ngóc đầu dậy; hàng loạt đảng phái giành quyền; ta lại nhượng bộ một số ghế trong Chính phủ và Quốc hội; ta hòa hoãn với Pháp; nhân dân Nam Bộ lại đánh Pháp; cả nước xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng võ trang… Vấn đề nào xem ra cũng quan trọng cả, đòi hỏi người dạy phải cung cấp đủ thời gian, bối cảnh, diễn biến với những số liệu cụ thể của từng sự kiện.
 
Như vậy thì lấy đâu ra thời gian để nói về mối quan hệ của các sự kiện, nói về bản chất lịch sử?!
img
Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, sự kiện quan trọng và giàu ý nghĩa trong lịch sử nước ta. Ảnh: VOH
 
Chính vì phải dạy quá nhiều sự kiện nên người dạy sử không có điều kiện đi sâu vào bản chất lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể. Đây là vấn đề mấu chốt. Để không quên những vấn đề, những sự kiện quan trọng của lịch sử, việc dạy và học  lịch sử nên chú trọng đến việc cung cấp những vấn đề nhận thức lịch sử, làm cho người học không chỉ thấy được “cây” mà phải thấy cả “rừng”.

Hậu quả của việc học sử và dạy sử thể hiện qua điểm thi đại học môn sử thấp kỷ lục như năm nay còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như chương trình và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp; thái độ ứng xử của chính quyền và xã hội, kể cả người học đối với mốn sử cũng chưa đúng mức.
 
Do vậy, đây là một sự trả giá. Đúng như Ra-xun Ga-Ma-Tốp (nhà văn xứ Đa-ghét-xtan - Liên Xô cũ) từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương tai sẽ nã vào anh bằng đại bác”.

Hãy trả lại sự thật khách quan cho lịch sử
 
Nhiều vấn dề lịch sử trong thời kỳ đương đại, chưa có sự lý giải thấu đáo bởi những quan điểm chính thống, cũng là một khó khăn cho việc dạy và học lịch sử của đất nước.
 
Một số vấn đề trong lịch sử vẫn còn đang bỏ ngỏ, người học không hiểu, người dạy cũng chưa hiểu, các nhà nghiên cứu cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng, bỏ mặc ai hiểu thế nào tùy theo nhận thức của họ.
 
Điển hình, dạy về lịch sử đương đại, chắc chắn thầy giáo phải nêu về “Nhà nước pháp quyền” nhưng không phải ai cũng có thể giải thích để cho học sinh hiểu theo đúng như Nghị quyết của Đảng đã nêu là phải “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng” .
 
Người thầy (bộ môn Lịch sử Đảng) có thể nói y chang như giáo trình, như nghị quyết đã nêu là đất nước ta phải đối phó với những cơ hội và thách thức, như: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”... nhưng để lý giải tình trạng tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thật không dễ dàng gì.
 
"Một bộ phận không nhỏ" thì nó lớn chừng nào, cỡ nào, bao nhiêu? Không có một chút tài liệu, số liệu nào chứng minh "một bộ phận không nhỏ" ấy một cách khoa học, chuẩn xác; cũng không có cơ quan nào công bố những con số này cả.
 
Cách nói định tính, không có số liệu cụ thể làm cho người học trở nên mơ hồ và phải “học thuộc lòng” thì sao có hứng thú mà học. Đây cũng là tình trạng đang dần dần biến bộ môn khoa học lịch sử (đương đại) thành một thứ bài giảng minh họa cho chủ trương, đường lối một cách chung chung!

Khổ nỗi, có những vấn đề trong lịch sử đương đại đang định hình, cái đúng, cái sai vẫn đang trên con đường phát triển. Đem những vấn đề này, nói đây là lịch sử để dạy cho học sinh, bảo đó là “điều đúng”, rồi sau đó bảo “chưa đúng”, hoặc “không đúng”, thì thật là tệ hại, khác nào đặt người  dạy sử vào vị trí một anh chàng ngáo ộp nào đó “ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt”. 
 
Việc dạy và học - học sử và dạy sử cũng vậy - từ xưa tới nay vốn là công việc của người trí thức. Học sinh, trí thức, tiểu tư sản  trước đây được ghép chung vào một tầng lớp “trí thức, tiểu tư sản”, được nhìn nhận và đánh giá như một tầng lớp bấp bênh, không kiên định; thậm chí một thời còn bị xem là đối tượng số một của cách mạng công -  nông: “trí, phú, cường hào đào tận gốc, trốc tận rễ” - trí thức đứng đầu, đứng trên cả bọn cường hào gian ác.
 
Ngày nay đất nước ta và thế giới đang phát triển nhanh chóng, từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, đang dần dần hình thành nền kinh tế tri thức. Vai trò người trí thức trong xã hội Việt Nam ngày càng xem trọng, người dạy sử, học sử cũng được xem trọng nhưng tàn dư của sự đối xử “bất công” quá đáng như trước đây không phải là không còn.
 
Với quan điểm “công nông”, với cuộc đấu tranh “ai thắng ai”, cộng với đầu óc hoài nghi, chỉ nói những điều có lợi cho “công nông”, không tôn trọng tính chân thật, khách quan của lịch sử thì thật khó để đưa việc dạy sử, học sử trở về vị trí vốn có và cần có của nó.
 
Hãy trả lại cho lịch sử sự công bằng, sự thật, khách quan mà nó vốn đã có, phải có. Vì thời đại ngày nay, vấn đề thông tin không còn xa lạ đối với bất cứ học sinh trung học nào, dù là ở thành thị hay vùng sâu, vùng xa. Bằng một cú click chuột là các em có thể truy cập bất cứ trang web nào đang hiện diện trên mạng... Tình hình này đòi hỏi, việc biên soạn và giảng dạy lịch sử của đất nước cần phải trung thực, khách quan.
 
Để nâng cao chất lượng việc dạy và học sử, sớm ngăn chặn tình trạng “điểm thấp” môn lịch sử, tạo niềm say mê cho người học và người dạy, cần cấu tạo một chương trình phù hợp, phản ánh các vấn đề một cách trung thực, khách quan như lịch sử vốn đã như vậy; tuyệt đối tránh cho người học một cảm giác, hay tâm lý hoài nghi về một vấn đề lịch sử nào đó. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo