Một tiết học của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức - TPHCM). Ảnh: Huy Lân
Học theo khối thi đại học
Thí dụ như tại Trường THPT Phan Đình Phùng ở Hà Nội, điểm tuyển vào lớp 10 năm 2011 là 53 điểm, số chỉ tiêu được tuyển 675 học sinh. Trường chỉ tổ chức học một ban là ban cơ bản với 15 lớp, từ đó phân ra 7 lớp nâng cao toán, văn, tiếng Anh (dự định cho học sinh thi đại học khối C, D) và 8 lớp nâng cao toán, lý, hóa (dành cho học sinh dự định thi đại học khối A, B).
Hay như Trường THPT Trần Phú cũng ở Hà Nội, điểm tuyển vào lớp 10 năm nay là 52 điểm, với 675 chỉ tiêu, 15 lớp. Căn cứ vào nguyện vọng của phụ huynh và điều kiện của giáo viên, nhà trường thông báo học sinh sẽ chọn một trong 3 ban là ban khoa học cơ bản, gồm cơ bản A (học tự chọn 3 môn toán, lý, hóa), cơ bản D (học tự chọn ba môn toán, văn, tiếng Anh), ban khoa học tự nhiên (học nâng cao 4 môn: toán, lý, hóa, sinh); các môn còn lại là học theo chương trình chuẩn.
Tình hình phân ban của các trường trong cả nước cũng tương tự như các trường nêu trên. Đó là học theo ban cơ bản và nâng cao các môn hay tự chọn các môn có thi tuyển vào đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng khoa học xã hội và nhân văn mấy năm qua ít nên hầu hết các trường THPT đều không có ban khoa học xã hội và nhân văn.
Trong hàng loạt trường THPT hàng đầu ở Hà Nội chỉ thấy có Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) là có ban khoa học xã hội và nhân văn dạy nâng cao 4 môn (văn, sử, địa, ngoại ngữ), các môn còn lại học theo chương trình chuẩn. Ban cơ bản học nâng cao theo khối thi đại học. Cụ thể khối A (học toán, lý, hóa), khối D (học toán, văn, tiếng Anh), các môn còn lại học sách giáo khoa theo chương trình chuẩn.
Hổng kiến thức văn chương, lịch sử
Hiện nay, nhiều môn khoa học xã hội và nhân văn bị coi nhẹ; những kiến thức về văn chương của nhiều học sinh bây giờ rất khó để chấp nhận được.
Các thầy cô giáo chấm thi môn văn thường phàn nàn là chữ viết của học sinh quá xấu, rất khó đọc, lỗi chính tả thì nhiều vô kể, sai sót rất nhiều kiến thức cơ bản; môn sử trong các kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng ngày càng có nhiều bài điểm 0 và cận 0. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 riêng ở Trường Đại học Thái Nguyên đã có 335 bài thi môn sử bị điểm 0. Kỳ thi năm 2011 Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng công bố chỉ có 19/2.467 thí sinh thi vào khối C có môn sử từ 5 điểm trở lên (tỉ lệ 0,53%) và có 477 bài bị điểm 0.
Nhiều trường đại học ở TPHCM cũng có điểm môn sử rất thấp, có trường chỉ có 1 bài được điểm 5. Trường Đại học Văn hóa TPHCM là một trường có số lượng ngành tuyển khối C nhiều nhưng chỉ có 3,5% thí sinh đạt điểm 5 trở lên và có tới 201 thí sinh có điểm từ 0 đến 1.
Ngành giáo dục đang phấn khởi với thành tích tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng nhưng phải gọi đó là thành tích ảo. Chỉ có điểm thi vào đại học mới phản ánh đúng sự thật của chất lượng giáo dục phổ thông. Làm sao có thể vô cảm trước sự xuống cấp của các môn khoa học xã hội và nhân văn - một hệ lụy đáng buồn của phân ban? |
Bình luận (0)