Phóng viên: Thưa ông, sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) - ĐHQG TP HCM đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào? Kế hoạch xây dựng mô hình trung tâm KĐCLGD tầm châu Á đã tới đâu?
Giờ thí nghiệm của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM - một trong 4 trường trong khu vực đạt chuẩn kiểm định của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á Ảnh: TẤN THẠNH
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc Trung tâm KĐCLGD - ĐHQG TP HCM: Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm KĐCLGD - ĐHQG TP HCM đã hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, đội ngũ, cơ sở vật chất, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đúng quy định, có chất lượng. Tính đến nay, trung tâm đã đánh giá ngoài 23 cơ sở giáo dục và 3 chương trình đào tạo, công nhận chất lượng cho 17 cơ sở giáo dục và 2 chương trình đào tạo.
Đề án xây dựng mô hình Trung tâm KĐCLGD tầm châu Á đã được đưa vào kiểm định chất lượng 2017-2020. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch này với việc bổ sung hoàn chỉnh hệ thống bảo đảm chất lượng của trung tâm.
Mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT ) là hết năm 2017, 35% các trường phải được kiểm định. Mục tiêu này có đạt không?
- Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 234 trường ĐH, vậy 35% của số này là 82 trường. Cũng theo thông tin của Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT, hiện đã có 78 trường ĐH được kiểm định, 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, chưa kể một số trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng do tổ chức quốc tế công nhận. Hiện các trung tâm KĐCLGD đang tiếp tục triển khai đánh giá ngoài, do vậy mục tiêu của Bộ GD-ĐT sẽ đạt được trong năm 2017 như kế hoạch.
Quan điểm của ông thế nào trước việc lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm và việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường?
- Chúng tôi cám ơn sự quan tâm của xã hội và luôn cầu thị, lắng nghe mọi nhận xét, đóng góp có tính xây dựng cho lĩnh vực KĐCLGD. Đó là một kênh tham khảo quan trọng cho chúng tôi để cải tiến liên tục.
Đối với những nhận xét chưa thật chuẩn xác, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng liên quan cần chủ động cung cấp thêm thông tin để mọi người cùng hiểu rõ. Kiểm định là một quá trình từ tự đánh giá, thẩm định báo cáo tự đánh giá chứ không đơn thuần là đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận. Thực tế thời gian qua tại trung tâm chúng tôi có không ít cơ sở giáo dục có thẩm định báo cáo tự đánh giá hoặc đánh giá ngoài có kết quả chưa đạt. Các trường này phải tạm dừng quá trình kiểm định để củng cố, tăng cường hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong trước khi quay lại quá trình kiểm định.
Nước ta hiện nay có 4 trung tâm kiểm định, các trường tự do lựa chọn một trong các trung tâm để kiểm định, hoặc chọn cơ quan kiểm định quốc tế được Bộ GD-ĐT công nhận. Theo quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT không can thiệp vào việc này.
Có ý kiến từ trường từ chối kiểm định cho rằng kiểm định chất lượng trong nước là không khách quan, chỉ chạy theo mục tiêu của Bộ GD-ĐT 5 năm thực hiện một lần. Tại sao lại có sự không tin tưởng này?
- Kiểm định chất lượng là một trong những công tác bảo đảm chất lượng bên ngoài (External Quality Assurance), được nhiều nước sử dụng, dù là nước phát triển hay đang phát triển, và trở thành xu thế toàn cầu, không thể tránh khỏi. Việt Nam cũng không ra ngoài xu hướng ấy.
Về ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục ĐH không khách quan hay chưa độc lập, thì một trong những nguyên nhân là thiếu thông tin. Những cơ sở giáo dục đã từng đánh giá chất lượng với trung tâm KĐCLGD của chúng tôi hiểu rất rõ về tính khách quan, tính độc lập này. Qua thời gian, tôi tin xã hội sẽ hiểu rõ hơn, đúng hơn về công tác bảo đảm chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng nói riêng.
Khách quan mà nói, có nên duy trì hoạt động KĐCLGD trong nước không?
- KĐCLGD là bắt buộc. Kiểm định là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục về mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường, nếu có thể, đăng ký kiểm định với các tổ chức quốc tế có uy tín. Bộ GD-ĐT không ép buộc tất cả các trường ĐH phải kiểm định trong nước, ví dụ 4 trường đã đạt chuẩn kiểm định HCERES của Pháp và 2 trường đã đạt chuẩn bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA). ĐHQG TP HCM hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước với số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế nhiều nhất và con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh. Vừa qua, Trường ĐH Bách khoa TP HCM là một trong bốn trường đầu tiên ở khu vực ASEAN được đánh giá bảo đảm chất lượng cấp trường và đã đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, việc được đánh giá bảo đảm chất lượng AUN-QA hiện nay là rất khó khăn, bởi AUN-QA triển khai với tốc độ không nhanh nhằm rút kinh nghiệm thật tốt, số đánh giá giảng viên giỏi cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA chưa đủ nhiều, trong khi số trường là thành viên chính thức của AUN-QA mong muốn đăng ký đánh giá cũng không ít. Do vậy, chúng tôi cho rằng trong một vài năm tới các trường không là thành viên chính thức của AUN-QA sẽ chưa được ưu tiên như các thành viên chính thức.
Rõ ràng là cần duy trì và phát triển hơn nữa hoạt động kiểm định trong nước. Những trường, chương trình đã được kiểm định đều thấy công tác kiểm định là hữu ích, giúp trường, chương trình có đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn, để có thể dựa trên đó cải thiện chất lượng của mình.
Bình luận (0)