Ngày 15-4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ này đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19.
Giảm nhẹ yêu cầu cho học sinh
Theo đó, một trong 2 phương án của Bộ GD-ĐT là nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh (HS) có thể đi học trước ngày 15-6 thì kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức, dự kiến từ ngày 8 đến ngày 11-8.
Với phương án này, Bộ GD-ĐT cho rằng sau khi kết thúc năm học vào ngày 15-7, HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập, bằng thời gian ôn tập những năm trước. Mặt khác, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của Bộ GD-ĐT, từ ngày 25-3 (một số nơi triển khai sớm hơn), các trường đều dạy và học theo phương thức này. Nếu tính từ thời gian này, cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là ngày 15-6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định nếu tổ chức thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh, theo hướng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với HS.
Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Theo đó, nếu không tổ chức thi, sẽ giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Ngoài ra, trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH có thể điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước là sơ tuyển và kiểm tra riêng. Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của HS như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn.
Chưa nên nói chuyện bỏ thi
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ GD-ĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý HS buông, không học.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp là vì họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh chạy theo thành tích còn nặng, để địa phương tự quyết định sợ không bảo đảm công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. "Trong tình huống có thể thì vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Còn trường h ợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, thí sinh không thể đến điểm thi... mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp" - ông Khuyến góp ý.
PGS-TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng kết quả thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để nhiều trường tuyển sinh nên nhà trường vẫn chờ đợi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên kết quả này. "Trong trường hợp bất khả kháng, kỳ thi không được tổ chức, chúng tôi sẽ tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, nhiều khả năng trường sẽ "liên minh" với các trường khác để thi chung theo kiểu của kỳ thi THPT quốc gia để tránh "ảo" - ông Triệu nêu quan điểm.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng vẫn chờ đợi việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để thuận lợi cho các thí sinh và các trường ĐH.
Bình luận (0)