Các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng, kể cả các "điểm nóng" như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Trước khi chính thức bước vào ngày thi đầu tiên vào ngày 25-6, hôm nay (24-6), thí sinh sẽ đến các điểm thi làm thủ tục dự thi.
Điều động hàng ngàn cán bộ, giảng viên
Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia. Để bảo đảm kỳ thi này diễn ra an toàn, Hà Nội đã lên kế hoạch điều động khoảng 10.000 người tham gia tổ chức kỳ thi sắp tới, trong đó riêng số lượng cán bộ coi thi là hơn 6.000 người. Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gian lận, đội ngũ cán bộ coi thi được điều động theo nguyên tắc: 50% số cán bộ coi thi là giáo viên các trường phổ thông, số còn lại là giảng viên của 13 trường ĐH. Đến thời điểm này, Hà Nội đã rà soát toàn bộ 125 điểm thi, hơn 3.100 phòng thi để bố trí đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết.
Ông Bùi Quang Thái - Phó trưởng Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội - cho biết sở đã yêu cầu Ban Chỉ đạo thi các quận, huyện quan tâm đặc biệt đến các phòng thi gần nhà dân, gần đường giao thông. Các phòng thi này phải có cửa sổ chắc chắn và đóng kín khi thí sinh đang thi để bảo đảm không để đề thi lọt ra ngoài. Điểm trưởng phải nắm kỹ nội dung công việc từng điểm thi, phải tập trung cao trong chỉ đạo, không chủ quan theo kinh nghiệm cá nhân, nếu vướng mắc cần gọi ngay cho ban chỉ đạo thi thành phố để sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan. Sở cũng yêu cầu các điểm trưởng điểm thi quán triệt kỹ đến cán bộ coi thi khi tổ chức buổi thi, nhắc lại quy chế cho thí sinh ở từng buổi thi, tổ chức nghiêm nhưng không gây căng thẳng trong phòng thi.
Giảng viên, cán bộ Trường ĐH Luật lên đường làm nhiệm vụ coi thi tại Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Năm nay, Bắc Giang có hơn 19.600 thí sinh đăng ký dự thi tại 36 điểm thi. Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã huy động hơn 1.600 cán bộ của tỉnh và gần 1.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học tham gia phối hợp làm nhiệm vụ coi thi. Trường THPT chuyên Bắc Giang được chọn làm địa điểm tổ chức in đề thi được cách ly 3 vòng độc lập được lực lượng công an và thanh tra bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho hay Bắc Giang thực hiện nguyên tắc "5 rõ": rõ người, rõ công việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ kết quả.
TP HCM năm nay có 71.045 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 62.625 thí sinh đang học tại các trường THPT, 8.420 thí sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết ĐHQG TP HCM cùng 5 trường ĐH khác là ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Hiến cùng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức thi. Công tác chuẩn bị đến thời điểm hiện tại đã hoàn tất.
Tỉnh Lâm Đồng năm nay có gần 14.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, giảm 1.000 thí sinh so với năm 2018. Bà Phạm Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh có 38 cụm thi với sự tham gia phối hợp thi của 4 trường ĐH, CĐ. Mới đây, sở đã cùng các trường ĐH, CĐ phối hợp và các sở, ngành địa phương kiểm tra ở tất cả các điểm thi. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm nay có 11.281 thí sinh dự thi. Thí sinh ở huyện Côn Đảo được tổ chức thi tại chỗ. Theo tin từ Trường ĐH Công nghệ TP HCM (đơn vị phối hợp), đoàn cán bộ coi thi đã có mặt tại Côn Đảo trong ngày 22-6. Công tác chuẩn bị cho điểm thi ở Côn Đảo đến nay đã hoàn tất.
Lịch thi kỳ thi THPT quốc gia 2019
Giám sát chặt những "điểm nóng"
Sau những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, kỳ thi năm nay, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức kỳ thi năm 2019, đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng chống gian lận trong thi cử. Tỉnh đã huy động gần 1.200 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, trong đó hơn 500 cán bộ coi thi của 4 trường ĐH trực tiếp tham gia vào Ban Chỉ đạo thi và chấm thi.
Rút kinh nghiệm từ sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Hòa Bình đã bố trí hệ thống giám sát ở tất cả khu vực chứa bài thi, công an và cán bộ của một trường ĐH trông giữ 24/24 giờ. Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, sở này đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là công an tỉnh để chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Tại các điểm chấm bài thi trắc nghiệm và in sao đề thi, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã trang bị máy phát điện công suất lớn dự phòng 24/24 giờ.
Hà Giang cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh; thành lập hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh; thông báo phân công nhiệm vụ thành viên hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh năm 2019. Theo ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, công tác nhân sự tham gia các ban thuộc hội đồng thi của tỉnh năm nay được chuẩn bị rất chu đáo. Dự kiến có gần 1.200 lượt người tham gia tổ chức thi, trong đó cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH khoảng 350 lượt người, lực lượng an ninh bảo vệ khoảng 120 lượt người.
Ngoài ra, theo ông Bình, quá trình in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi, coi thi, chấm thi phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy chế. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, giám sát thi trong quá trình bảo quản, lưu giữ đề thi, bài thi, quá trình coi thi, vận chuyển, bàn giao bài thi. Đối với nơi lưu giữ bài thi, ngoài việc có tủ sắt đựng bài thi, năm nay Bộ GD-ĐT còn quy định phải có camera giám sát 24/24 giờ. Sở đã bố trí ở 20 điểm thi mỗi điểm 2 camera giám sát, thay vì 1 camera như bộ yêu cầu.
Sở GD-ĐT Hà Giang đã phối hợp với Công an tỉnh rà soát, xác minh các điều kiện, tư tưởng chính trị của các thành viên tham gia kỳ thi bảo đảm theo đúng quy chế và đáp ứng yêu cầu công tác thi; địa điểm in sao đề thi được khảo sát, lựa chọn tại một địa điểm biệt lập, thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly triệt để theo 3 vòng độc lập.
Còn tại Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT - cho hay tất cả cán bộ tham gia làm công tác thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai bảo đảm được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn... thì mới được lựa chọn.
Hàng ngàn giảng viên lên đường làm nhiệm vụ
Sáng 23-6, giảng viên nhiều trường tại TP HCM "ra quân" làm nhiệm vụ tại kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Từ sáng sớm, hơn 550 viên chức của Trường ĐH Kinh tế TP HCM làm nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đây là năm đầu tiên trường phụ trách coi thi tại Vĩnh Long, năm nay sẽ coi thi tại 18/23 điểm thi của tỉnh.
Sáng cùng ngày, 380 cán bộ, giáo viên Trường ĐH Mở TP HCM cũng lên đường đến Lâm Đồng làm nhiệm vụ cho kỳ thi. Thông tin từ trường cho biết năm nay trường coi ở 18 điểm. Từ tuần trước, trường đã tập huấn quy chế đến cán bộ, giáo viên đi coi thi, công tác hậu cần đã chuẩn bị tốt. Trường cũng tăng cường lực lượng giám sát 3 phòng/người so với quy định chuẩn của Bộ GD-ĐT là 5 phòng/người vừa làm giám sát vừa là lực lượng dự phòng khi có trường hợp cán bộ coi thi vì lý do đột xuất không thể tiếp tục coi thi...
Các cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ coi thi của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất cùng các điều kiện tổ chức thi tại các điểm thi ở Gia Lai. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết gần 400 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi đã lên đường làm nhiệm vụ từ hôm qua. Công tác tập huấn quy chế đến cán bộ giáo viên coi thi trường đã thực hiện từ thứ hai tuần trước. Dù phụ trách địa bàn rộng lớn nhưng TS Lý cho biết chỗ lưu trú, ăn ở của các đoàn về cơ bản không khó khăn gì bởi đây là địa bàn quen thuộc của trường. Gia Lai năm nay có 13.500 thí sinh thi tại 36 điểm thi với 564 phòng thi...
Bình luận (0)