Theo CDC (Mỹ), 16% học sinh cấp 3 tiết lộ có ý định hoặc suy nghĩ về tự tử, 13% lên kế hoạch tự tử và 8% thực hiện kế hoạch tự tử.
Khi gia đình có thanh thiếu niên tự tử và được cứu sống, tất cả thành viên còn lại sẽ bị biến cố này ảnh hưởng. Họ nổi giận với người tự tử: "Sao mà ngu, sao mà dại dột...", họ có thể mang mặc cảm tội lỗi, lo lắng, bất an, xấu hổ, bất lực và tệ hơn, họ có cảm giác bị phản bội... Bản thân các thành viên trong gia đình bắt đầu có những tổn thương về tâm lý. Những câu nói giá như, lẽ ra cứ liên tục xảy ra trong đầu họ: lẽ ra tôi phải biết, lẽ ra tôi phải làm gì đó để việc này không xảy ra; giá như tôi chịu để ý hơn, quan sát hơn, quan tâm hơn thì con bé đâu có hành động dại dột như vậy... Do đó , bản thân các thành viên trong gia đình có người tự tử cần có kế hoạch tư vấn tâm lý với các chuyên gia sau biến cố của người thân là điều rất cần thiết.
Khi trẻ từ bệnh viện trở về nhà sau thời gian nằm viện, gia đình cần:
- Dọn sạch các vật dụng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ; các loại thuốc phải được cất ở vị trí khác.
- Lên kế hoạch cho trẻ và các thành viên trong gia đình làm việc với chuyên gia tâm lý.
- Phân công người cho trẻ uống thuốc theo toa, tuyệt đối không để trẻ tự làm việc này.
- Tránh suy nghĩ nếu mình rời mắt khỏi con, con sẽ tự tử lần nữa; tránh việc canh chừng trẻ và phân công các thành viên canh chừng và báo cáo nhất cử nhất động của trẻ... Những điều này sẽ làm cho cả trẻ và tất cả thành viên thêm căng thẳng.
- Không được nói với các thành viên trong gia đình đây là một điều xấu hổ cần giữ bí mật.
- Tránh những câu nói sau với trẻ: "Sao con lại làm điều đó? Con có biết đó là điều dại dột không?".
- Cùng trẻ lập danh sách những dấu hiệu, tác động dẫn đến ý định tự tử và danh sách những người lớn đáng tin cậy để trẻ có thể gọi, nói chuyện khi mệt mỏi, căng thẳng hay xuất hiện một trong những dấu hiệu dẫn đến việc tự tử.
- Dành thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thư giãn và giảm stress; khuyến khích trẻ yêu bản thân nhiều hơn thông qua các hoạt động tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc...
- Lắng nghe trẻ nhiều hơn là nói cho trẻ nghe; khi đề cập đến chuyện tự tử, thẳng thắn nhưng đầy cảm thông và không phán xét.
- Nếu được, khuyến khích trẻ học một điều mới. Điều này sẽ giúp trẻ có cơ hội gặp người mới, thiết lập các mối quan hệ và các mối quan tâm mới, tạo điều kiện cho trẻ để quá khứ lại phía sau.
Khi trẻ tự tử được cứu sống, trẻ và cả gia đình cần một hệ thống hỗ trợ: những người bạn, thầy cô không phán xét, định kiến, các nhà chuyên môn và các thành viên có thể gọi, trò chuyện khi cần.
Hãy nhớ rằng trẻ và gia đình trẻ đang bị tổn thương tâm lý. Khác với các vết thương cơ thể, các vết thương tâm lý không hiển hiện rõ ràng để ta tìm thuốc sát trùng, gạc, bông băng cầm máu. Hãy tránh làm tổn thương trẻ và gia đình trẻ bằng những câu nói vô tình, đầy phán xét như: Anh chị làm cha mẹ kiểu gì mà không biết chuyện gì đang xảy ra với con mình? Tại sao con không tìm người giúp đỡ? Khi con tự tử là một phần trách nhiệm của anh chị, những người làm cha làm mẹ... Những câu nói như thế có thể làm tổn thương trẻ và gia đình thêm một lần nữa. Những câu nói như thế sẽ giống như bạn đang có một vết thương hở, thay vì cầm máu để khỏi bị nhiễm trùng, bạn kiếm một con dao sắc, nhọn khoét sâu vào nó và làm nó chảy máu nhiều hơn, dữ dội hơn.
Không phán xét và tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục cuộc sống của mình, học cách tiến lên phía trước từ bài học về quá khứ. Đó là cách chúng ta cùng giúp trẻ và cả chúng ta biết trân trọng cuộc sống của mỗi chúng ta.
Bình luận (0)