Một học sinh lớp 9 ở Quảng Ninh bị đánh hội đồng phải nhập viện vào tháng 10. Rồi liên tiếp hàng loạt video học sinh bị nhiều người đánh dã man ở Tây Ninh, Thanh Hóa... được tung lên mạng vào tháng 11. Trong các video ấy, người đánh không ngừng tát, đá, thậm chí là dùng mũ bảo hiểm phang vào đầu, dùng gậy đánh liên tục vào nạn nhân. Điều đáng buồn là xung quanh có rất nhiều người vây xem, hò reo cổ vũ. Không ai lên tiếng can ngăn.
Đỉnh điểm là ngày 26-11 vừa qua, một nam sinh lớp 9 ở tỉnh Hà Nam đã xảy ra xô xát với bạn cùng trường. Hậu quả, em này đã tử vong vì bị bạn đấm vào vùng đầu.
Đây là hồi chuông cảnh báo bạo lực học đường đang có nguy cơ gia tăng. Và hậu quả mà nó gây ra đang ngày càng nghiêm trọng.
Để ngăn chặn bạo lực học đường, trước hết chúng ta cần thấy rằng người tham gia đánh hội đồng và nạn nhân cùng là học sinh. Các em đang ở tuổi mới lớn. Thích thể hiện cái tôi cá nhân nhưng lại nóng nảy, bộp chộp, dễ kích động. Suy nghĩ lại thiếu chín chắn. Chỉ cần một va chạm nhỏ. Một cái liếc mắt. Hay một lời nói vô tình cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Và để giải quyết, các em thường chọn hình thức tiêu cực là đánh nhau mà không lường được hậu quả.
Do đó, để ngăn chặn bạo lực học đường thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí là đánh đập đã không dám nói thật với gia đình vì các em sợ bị bố mẹ la mắng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường tiếp diễn. Do đó, bố mẹ cần làm bạn cùng con. Sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con. Giúp con hiểu gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Có như vậy con mới sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và thậm chí là những băn khoăn, lo lắng của mình cho bố mẹ. Và tất nhiên, khi bị hiếp đáp, đe dọa con cũng sẽ kể cho bố mẹ nghe. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường.
Để hạn chế bạo lực học đường, song song với việc dạy kiến thức, nhà trường cần tăng cường hơn nữa giáo dục đạo đức cho các em. Dạy cho các em sống có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương và sẻ chia…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên tăng cường tuyên truyền giúp cho các em nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường thông qua các buổi tuyên truyền, các giờ hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ. Bởi hầu hết các em đều quan tâm đến các video đánh hội đồng trên mạng vì tò mò. Xem cho vui, cho biết để bàn luận với bạn bè. Chứ không hề biết hậu quả nghiêm trọng mà nạn nhân phải chịu đựng sau khi bị bạo lực học đường.
Các giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cũng cần được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ để nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, biết cách trò chuyện, tư vấn cho các em. Có như vậy các em mới tin tưởng để nói ra những lo lắng, những băn khoăn của mình.
Bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng là nhân tố quan trọng giúp gắn kết học sinh, tạo ra môi trường học tập thân thiện. Do đó giáo viên chủ nhiệm cần bám lớp, quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của học sinh để kịp thời nhắc nhở, khuyên bảo khi các em có những hành vi không đúng…
Bình luận (0)