Một phụ huynh có con học trường mầm non ở quận Hải An - TP Hải Phòng hết sức bức xúc khi nhận được thông báo về hàng loạt khoản thu đầu năm. Cụ thể: tiền vi tính - tivi 100.000 đồng, điện thoại 50.000 đồng, máy photocopy 100.000 đồng, bình nóng lạnh 100.000 đồng, camera 100.000 đồng, tủ đồ dùng 150.000 đồng, giá đồ chơi 200.000 đồng; tủ ca, cốc, bình nước 200.000 đồng; bạt che nắng 50.000 đồng, đồ chơi ngoài sân 200.000 đồng, bảng 50.000 đồng, sàn gỗ 300.000 đồng, phun muỗi 30.000 đồng, tu sửa vườn 100.000 đồng… Tổng các khoản: 2,9 triệu đồng.
Mập mờ nhiều khoản tiền
Một phụ huynh có con học tại trường nêu trên bức xúc: “Máy photocopy của trường đang dùng bình thường, tại sao bắt phụ huynh đóng tiền mua nữa? Khoản tiền mua tivi và máy vi tính cũng vậy, mỗi lớp đã có một màn hình tivi tinh thể lỏng 32 inch và một máy tính dùng tốt thì việc gì phải mua thêm?”. Bức xúc mà không được trả lời thỏa đáng nên đến giờ, nhiều phụ huynh vẫn chần chừ chưa đóng tiền cho con, dù thông báo có từ cuối tháng 8.
Tại Hà Nội, tình trạng lạm thu cũng diễn ra nhiều nơi. Tại một trường tiểu học công lập ở quận Hoàng Mai, khoản tiền phụ huynh được cô giáo thông báo phải đóng là hơn 800.000 đồng nhưng trong hóa đơn thanh toán trường đưa cho phụ huynh thì số tiền chỉ còn chưa đến 1/8, tức là chỉ vài chục ngàn đồng.
Chị Anh Thư, phụ huynh của trường này, băn khoăn: “Không hiểu tại sao đóng nhiều mà hóa đơn lại ghi ít như vậy?”.
Một trường tiểu học khác của quận Cầu Giấy lại có khoản tiền khiến nhiều người thắc mắc là “tiền hỗ trợ tiểu học”. Một phụ huynh nói sẵn sàng cùng chia sẻ khó khăn với nhà trường nhưng trường cũng cần thông báo các khoản thu này dùng vào việc gì, không nên tù mù như vậy.
Bậc ĐH cũng lạm thu
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, nhận định lạm thu thường diễn ra ở các bậc học mầm non, phổ thông và tại đô thị. Ở các bậc học này, ngân sách Nhà nước là nguồn chủ yếu để chi, học phí lại thấp nên dễ xảy ra lạm thu.
Thực tế thì không chỉ ở bậc mầm non, phổ thông mà ngay cả bậc ĐH, các khoản thu cũng vô cùng phong phú. Tại Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, tân sinh viên phải nộp khoản tiền nhập học hơn 5 triệu đồng, trong đó có khoản khiến nhiều người thắc mắc là tiền “hỗ trợ đào tạo” 1 học kỳ 1,5 triệu đồng với hệ ĐH và 1,25 triệu đồng cho hệ CĐ.
Một phụ huynh của trường này thắc mắc rằng với 900 sinh viên ĐH và 1.100 sinh viên CĐ (chưa tính hệ trung cấp) thì số tiền “hỗ trợ đào tạo 1 học kỳ” của trường là hơn 2,7 tỉ đồng và cả năm là hơn 5,4 tỉ đồng. Đó là chưa kể khoản 400.000 đồng tiền “vệ sinh, an ninh”/4 năm học, 250.000 đồng tiền làm thẻ, học quy chế đầu khóa…
Lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm
Để hợp thức hóa các khoản thu tự nguyện của phụ huynh, Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thậm chí, Bộ GD-ĐT còn tổ chức một buổi gặp gỡ quy mô nhỏ với báo chí để giải thích thêm về quy định mới.
Theo ông Bùi Hồng Quang, các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, phục vụ các hoạt động dạy học đều được hiểu là tài trợ cho giáo dục. Trên tinh thần của thông tư mới, tất cả các cơ sở giáo dục đều có quyền thu và sử dụng các khoản đóng góp. Số tiền này sẽ do thủ trưởng cơ sở giáo dục quản lý, hoạch định sử dụng một cách công khai. Nếu để xảy ra lạm thu, người đứng đầu nhà trường phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
Mặc dù vậy, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra thường xuyên và lãnh đạo các trường cũng ít ai bị xử lý.
Không có chế tài xử lý Một chuyên gia giáo dục phân tích rằng sở dĩ lạm thu không ngừng gia tăng chính là do không có chế tài xử lý cụ thể. Muốn chấn chỉnh lạm thu, phải có những biện pháp xử lý mạnh tay nhưng trong điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh lại không quy định hình thức xử lý đối với các vi phạm. Chính thông tư của Bộ GD-ĐT cũng không có điều khoản nào quy định hình thức xử lý cụ thể. |
Bình luận (0)