Khách mời tham dự hội nghị
Ngày 4-8, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khu vực phí Nam với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các cơ sở đào tạo đại học (ĐH), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp…
Gia tăng cơ sở đào tạo
Bộ NN-PTNT cho biết trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục ĐH thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục ĐH với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam Bộ với quy mô đào tạo 516.797 sinh viên với tỷ lệ 30,2% - đứng thứ hai của cả nước.
Trong số các trường ĐH đóng trên địa bàn hai vùng, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, bao gồm: ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH An Giang, ĐH Kiên Giang, ĐH Đồng Tháp, Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi…với các chuyên ngành: Bảo vệ thực vật, chăn nuôi, lâm học, lâm nghiệp đô thị, nông học, nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến thuỷ sản, bệnh học thuỷ sản, quản lý tài nguyên rừng, công nghệ chế biến lâm sản, thú y, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp; công nghệ sinh học nông nghiệp... Cùng với hệ thống các ĐH, hiện nay cũng có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ ngành.
Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vùng, như: các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Trường cao đẳng, trường trung cấp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc các tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 2016-2022, bốn trong tổng số 28 trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh Nam Bộ với các trình độ: cao đẳng gần 15.000 người, trung cấp trên 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người. Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh trong vùng đã đào tạo ở các cấp với số lượng là 3.092 người trình độ cao đẳng; 11.702 người trình độ trung cấp, 138.149 người trình độ sơ cấp và 390.136 người đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo nghề dưới 3 tháng vùng Đông Nam Bộ là 57.807 người (bằng 7,17% cả nước); vùng đồng bằng sông Cửu Long là 332.328 người (bằng 41,23% cả nước).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận về phát triển nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho của địa phương
Nguồn lao động giảm, chất lượng chưa cao
Tuy nhiên, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của Vùng Đông Nam Bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm gỉảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm). Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên vùng ĐBSCL đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (mức giảm 7,2% tương ứng với 729.4 nghìn người). Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.
Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2.21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật. Đối với nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản. Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…
Thời gian tới Bộ NN-PTNN sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bình luận (0)