Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về chấm bài thi môn ngữ văn nêu rõ: "Giám khảo đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo… Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực".
Thí sinh trao đổi sau giờ thi ở kỳ thi tốt nghiệp vừa qua Ảnh: XUÂN DƯ
Phụ huynh băn khoăn
Barem điểm cụ thể gồm nêu vấn đề nghị luận: "Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam (0,5 điểm); Phân tích: Cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập (0,5 điểm). Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương… (0,5 điểm).
Phần bình luận có thang điểm sau: Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải là cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại (0,5 điểm). Phê phán lối sống ích kỷ, vô cảm; đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện (0,5 điểm); Liên hệ bản thân: học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam… (0,5 điểm).
Hành động của em Nguyễn Văn Nam nhận được sự cảm phục của đông đảo người dân. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn tuy đề văn rất hay nhưng để áp dụng vào cuộc sống lại là điều phải suy nghĩ. Thực tế, ít người có thể khuyên con nên hành động như vậy khi biết rất có thể sẽ ảnh hưởng đến mạng sống của con mình. "Liệu đây có phải "suy nghĩ lệch lạc" không" - một giáo viên chia sẻ.
Chưa có bài nào nêu suy nghĩ "lệch lạc!"
Một số giáo viên tham gia chấm thi môn văn cho biết họ đang phải đợi thảo luận, hướng dẫn chi tiết từ hội đồng chấm thi. Theo cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT bán công Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội: "Qua ngày chấm thi đầu tiên (7-6) cho thấy học sinh rất thích đề này và làm rất hay. Chưa có bài nào nêu suy nghĩ "lệch lạc", tất cả đều đồng thuận. Giáo viên này cũng cho biết có thí sinh còn phát triển thêm vấn đề hãy biết quên mình vì người khác. Đừng hiểu theo góc hẹp noi gương Nam là phải nhảy xuống sông cứu người. Hãy hiểu noi gương ở đây là noi gương về lý tưởng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đánh giá cao việc ra đề thi mở gắn với thực tiễn của Bộ GD-ĐT. Theo ông, tấm gương hy sinh anh dũng của Nam xứng đáng để thế hệ trẻ suy nghĩ, điều chỉnh bản thân với mục tiêu tôn vinh, hướng tới hành vi cao đẹp. Thí sinh cũng có thể mở rộng bài làm theo hướng cần có sự rút kinh nghiệm, tự trang bị kỹ năng hành động trong những trường hợp khẩn cấp. Những ý kiến như vậy thì không thể coi là suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc.
Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cũng cho biết nếu có những ý kiến băn khoăn từ phía giáo viên đối với chấm thi môn văn thì Hội đồng chấm thi có nhiệm vụ tổng hợp lại và báo cáo xin ý kiến của Bộ GD-ĐT chứ không có việc đưa ra hướng dẫn chấm thi riêng của địa phương.
Lập luận hợp lý chắc chắn được điểm Trả lời câu hỏi liệu với quan điểm trái chiều nhưng lập luận chặt chẽ trong câu hỏi mở của đề văn, đáp án có mở hay không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định mỗi người có một nhận thức khác nhau và quan điểm của Bộ GD-ĐT là không áp đặt ý chí của mình cho lớp trẻ. "Chúng tôi ra đề mở để thí sinh có nhiều ý kiến đa dạng, khác nhau. Vấn đề quan trọng là các em có lập luận chặt chẽ cho quan điểm mà mình đưa ra hay không. Đề thi mở thì không thể có câu trả lời đóng. Nếu thí sinh đưa ra những lập luận hợp lý thì chắc chắn sẽ được điểm" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định. |
Bình luận (0)