Ngay sau khi đề văn được công bố, dư luận đã đánh giá cao đề thi này. Đó là câu nghị luận xã hội (câu 2) đề cập trực tiếp đến một vấn đề rất thời sự, gương em Nguyễn Văn Nam dũng cảm cứu người.
Gắn với thời sự
PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng Nguyễn Văn Nam vừa là hình ảnh cụ thể vừa là hình ảnh tượng trưng. Khi làm bài này, TS làm ngược cũng không đúng, làm khác đi cũng không hay. Trong những hoàn cảnh cụ thể nếu có cách xử lý khác thì cũng nên nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt cấp thiết, không thể chần chừ thì hành động của Nam là dũng cảm, là hành động hướng thiện cần được cổ vũ.
Ở môn địa, đề thi cũng được đánh giá cao khi đưa vào đó những vấn đề thời sự như vấn đề lao động (câu I.2) trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng và thời sự biển đảo (câu III.2). Thầy Lê Xuân Tuyền, giáo viên môn địa của Trường THPT Bình Phú, tỉnh Bình Dương, cho rằng ngoài việc kiểm tra kiến thức, câu hỏi về biển đảo còn mang tính giáo dục lòng yêu quê hương, chủ quyền biển đảo của nước ta...
Ý kiến của rất nhiều giáo viên và TS cho rằng đề thi môn văn và địa lý không yêu cầu TS phải “thuộc lòng” như đề thi của nhiều năm trước. Thay vào đó, chỉ cần hiểu bài và biết vận dụng kiến thức trong cuộc sống, những vấn đề thời sự xã hội là có thể làm tốt bài thi.
Đề lặp đi lặp lại
Nhiều giáo viên cho biết trong chương trình, sách giáo khoa của môn văn lớp 12, số các tác phẩm “kinh điển” cũng chỉ 5 hoặc 6, kể cả tác giả văn học nước ngoài. Chính vì vậy, sự trùng lặp trong việc ra đề là tất yếu.
“Tôi không lạc quan bởi đề thi chưa đổi mới là bao” - PGS-TS Trần Hữu Tá nói. Ông cho biết phân kỳ văn học ở bậc THPT rất rõ và đề thi tốt nghiệp THPT nằm gọn trong chương trình lớp 12 nhưng với kiểu ra đề lặp đi lặp lại mấy tác phẩm (có thể cũng hay) là nguy hiểm, khiến học sinh là “tù nhân” của mấy tác phẩm. Kiểu ra đề này đang giết chết cảm xúc văn học của cả thầy và trò. Đổi mới thi cử ắt sẽ dẫn đến đổi mới dạy, học. Việc này, Bộ GD-ĐT phải làm nhanh.
Bình luận (0)