Trong đó, nạn bạo hành trẻ mầm non (MN), dạy thêm học thêm, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là ở các trường ngoài công lập được các đại biểu cực kỳ quan tâm.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, để đáp ứng nhu cầu chỗ giữ trẻ cho trẻ MN trong năm học mới 2016-2017, thành phố có thêm 747 phòng học mới cho bậc MN (tăng thêm 602 phòng), trong đó các quận nội thành có 215 phòng học mới (tăng 148 phòng), quận ngoại thành (Quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức) có 298 phòng học mới (tăng 255 phòng), các huyện ngoại thành có 234 phòng học mới (tăng 199 phòng).
Với báo cáo như trên, theo các ý kiến tại hội nghị, dù thành phố đã quan tâm đầu tư trường lớp cho giáo dục MN nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là khối các trường ngoài công lập. Nhất là thực trạng bạo hành trẻ ở một số trường MN ngoài công lập trong những năm qua khiến các đại biểu băn khoăn, lo lắng. “Giáo viên, bảo mẫu ở nhiều trường MN ngoài công lập chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm, vì vậy đã xảy ra một số tình trạng đánh trẻ, bạo hành trẻ. Trong khi đó, nhu cầu giữ trẻ ở các trường MN ngoài công lập là có thật”, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP HCM đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoài Nam cho biết, các trường MN ngoài công lập bắt buộc phải đảm bảo đủ mọi điều kiện mới được Sở GD-ĐT cấp phép. Mặt khác, thành phố đã chú trọng các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường MN ngoài công lập. “Nhiều quận huyện cho các trường vay vốn không lấy lãi để đầu tư cơ sở vật chất. Sở GD-Đ cũng đã làm việc, hợp tác, thống nhất với các trường có đào tạo khoa MN trên địa bàn thành phố để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên MN”- ông Nam nói,
Đa số các ý kiến tại hội nghị cũng đặt thẳng trọng tâm vào vấn đề cấm dạy thêm, học thêm hiện nay khá vội vàng và máy móc; vội vàng cấm khi chưa có giải pháp cụ thể, khả thi thì sẽ dẫn đến tiêu cực. Có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế giám sát các trường, yêu cầu các trường không được dạy đại trà mà chọn lọc đối tượng để dạy thêm. Chẳng hạn những em có học lực giỏi thì hướng các em tăng cường sang các hoạt động văn, thể, mỹ. Còn những em kém thì mới phải dạy.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội cựu giáo chức thành phố cho hay, cũng phải nhìn nhận rằng dạy thêm còn giúp cho nhiều học sinh học yếu tiến bộ hơn vì được nâng cao kiến thức. Việc cấm dạy thêm học thêm rất dễ nảy sinh tiêu cực là các cơ sở dạy thêm bên ngoài sẽ nở rộ vì lợi ích kinh tế là chính và sẽ không thể làm tốt được. “Tại sao không tìm giải pháp để nhà trường làm tốt mà lại đi cấm, như thế là quá máy móc. Nên chăng để công đoàn, nhà trường theo dõi việc học của học sinh, quản lý việc giảng dạy của giáo viên để làm sao hạn chế tiêu cực xảy ra. ”- bà Thu bày tỏ.
Chi 36 tỷ đồng bồi dưỡng giáo viên ngoài công lập
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2016-2017, TP HCM có gần 747.000 trẻ MN (tăng hơn 11.600 trẻ so với năm học trước). Đặc biệt, có những quận, huyện tăng mạnh như như: Quận Gò Vấp tăng hơn 22.600 trẻ (tăng hơn 760 trẻ), Quận 12 hơn 26.800 trẻ (tăng hơn 850 trẻ), Quận Thủ Đức hơn 25.900 trẻ (tăng hơn 800 trẻ), huyện Bình Chánh hơn 21.500 trẻ (tăng hơn 700 trẻ). Theo ông Lê Hoài Nam, trong năm học mới, ngành GD-ĐT thành phố sẽ chi 36 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên MN ở các trường ngoài công lập để nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ chuẩn.
Bình luận (0)