Sáng 16-3, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2017” do Báo Người Lao Động tổ chức tiếp tục với buổi tư vấn trực tuyến chủ đề “Giải đáp thắc mắc về thi, tuyển sinh 2017”. Chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Sun Group tài trợ, được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động online, trực tiếp qua fanpage Người Lao Động và phát sóng trên Người Lao Động Media.
Chọn ngành yêu thích hay theo phong trào?
Trong số hàng trăm câu hỏi gửi về chương trình, nhiều câu cho thấy học sinh đã có sự chọn lựa ngành nghề nhất định nhưng sợ ngành học bão hòa, khó xin việc, không có cơ hội phát triển.
Cụ thể, vài học sinh quan tâm đến ngành công nghệ ô tô nhưng lại sợ không có cơ hội phát triển nghề nghiệp khi có thông tin dự báo các doanh nghiệp ô tô nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam. Học sinh khác muốn học ngành kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh, muốn theo đuổi ước mơ nhưng sợ học xong ĐH lại rơi vào cảnh thất nghiệp…
Những băn khoăn của học sinh đã được đại diện các trường, các chuyên gia chia sẻ. TS Nguyễn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng nghề nghiệp sẽ gắn liền với cuộc đời sau khi bắt đầu quá trình làm việc. Chọn ngành yêu thích và phù hợp có tính bền vững hơn là chọn theo phong trào.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của học sinh tại buổi tư vấn sáng 16-3 Ảnh: TẤN THẠNH
“Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô không phải chỉ đào tạo ra để em chỉ là thợ sửa chữa xe mà còn có thể đảm nhận nhiều vị trí khác, như nhân viên tư vấn dịch vụ, nhân viên kỹ thuật, sửa chữa, nhân viên tư vấn bán hàng, quản lý thiết bị, linh kiện... và cao hơn là các vị trí quản lý. Vì vậy, em cũng không nên quá lo lắng. Nếu ngành ô tô là ngành yêu thích và phù hợp với khả năng thì em nên chọn” - TS Phương khuyên.
Tư vấn cho học sinh về việc chọn ngành, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhấn mạnh: “Trước tiên, các em nên chọn ngành học mình thích và phù hợp. Bởi lẽ, khi yêu và đam mê ngành nghề thì có thể khắc phục được những nhược điểm của mình”. Vị chuyên gia thừa nhận thực trạng nhiều ngành hiện nay đang bão hòa nhân sự (kế toán, quản trị kinh doanh, marketing…). Tuy nhiên, ông cho biết trong những năm tới, khi kinh tế phát triển, thì nhu cầu sẽ tăng cao. Thực tế, hiện nay, nhu cầu ngành này vẫn rất lớn ở một số chuyên ngành liên quan đến quốc tế hoặc lĩnh vực liên ngành. Nhiều trường ĐH cũng đang cố gắng xây dựng các chương trình đào tạo mới của các ngành này để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, như: quản trị du lịch, quản trị bệnh viện, quản trị lao động, quản lý đô thị...
Băn khoăn về quy định ghi nguyện vọng
Năm nay, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng đồng thời đăng ký nguyện vọng (NV) và được điều chỉnh sau khi có kết quả thi. TS Nguyễn Phương cho biết thí sinh đăng ký NV từ ngày 1 đến 20-4. Sau đó, từ ngày 15 đến ngày 21-7, các em chỉ được một lần điều chỉnh NV trực tuyến (nếu điều chỉnh bằng giấy thì trước ngày 23-7). Nếu làm trực tuyến (online) thì thí sinh sử dụng tài khoản riêng của mình để truy cập. Nếu thay đổi NV bằng giấy thì cần phải điền vào phiếu thay đổi NV theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ThS Trương Tiến Sĩ, chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết việc đăng ký NV xét tuyển ĐH được thực hiện theo quy chế. Theo đó, thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành học không giới hạn. Việc xác định trúng tuyển căn cứ thứ tự NV ưu tiên khi đăng ký từ trên xuống.
“Làm sao đăng ký NV1 chính xác nhất để đậu vào trường em thích? Em sẽ dựa vào điểm chuẩn năm 2015, 2016 hay còn yếu tố nào nữa?”. Trước câu hỏi này của một học sinh, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn cho rằng NV1 là NV mà học sinh này yêu thích nhất, vào trường mà em thấy phù hợp nhất. Điểm các năm trước chỉ để tham khảo, nó chỉ phản ánh một phần số lượng thí sinh thích ngành học của trường đó. “Năm nay cũng là năm đầu tiên thi trắc nghiệm tất cả các môn tốt nghiệp. Vì vậy, quan trọng là em cần ôn thi cho tốt, nhất là các môn tương ứng với NV1 mà em dự định chọn” - PGS Ngoạn khuyên.
Nhiều câu hỏi về chuẩn đầu vào, đầu ra tiếng Anh của các trường ĐH, học phí tại các trường tự chủ tài chính, học bổng, ngành nghề mới, tuyển thẳng thí sinh trường chuyên… cũng được học sinh quan tâm gửi đến trong suốt buổi tư vấn và được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Bạn đọc có thể truy cập http://nld.com.vn; http://tv.nld.com.vn để theo dõi toàn bộ chương trình.
Không nên chọn cả 2 tổ hợp
Một học sinh băn khoăn: “Em được quyền lựa chọn một trong 2 bài thi tổ hợp hoặc cả 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) để thi. Nếu em chọn 1 tổ hợp thì sợ cơ hội giảm đi, nếu chọn cả 2 thì không đủ sức ôn thi”.
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng theo quy định, thí sinh có thể chọn 2 tổ hợp hoặc một tổ hợp mà mình có thế mạnh nhất để thi. “Em nên chọn tổ hợp mình có thế mạnh để thi và lấy kết quả xét tuyển vào ngành, trường mình mong muốn học và có khả năng trúng tuyển; không nên chọn cả 2 tổ hợp dự thi vì sẽ mất nhiều nguồn lực đầu tư và như vậy khó khả năng đạt điểm cao. Năm nay, thí sinh có thể đăng ký nhiều NV. Nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt, thí sinh có nhiều cơ hội đạt được ước nguyện của mình” - ông hướng dẫn.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)