Nhiều băn khoăn của dư luận về phương án thi và tuyển sinh năm 2017 đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga giải đáp tại buổi tọa đàm về “Phương án tuyển sinh năm 2017” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8-9 ở Hà Nội.
Tháng 10-2016, ban hành đề thi minh họa
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh năm 2017, bộ sẽ đổi mới thi, sử dụng hàng rào kỹ thuật thi trắc nghiệm để bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng, khách quan cao hơn.
Theo đó, thí sinh (TS) sẽ làm 5 bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Ngoài môn ngữ văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, 4 bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong 60 phút. Các bài thi toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút.
Trong phòng, mỗi TS sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau để tránh quay cóp. Theo ông Ga, Bộ GD-ĐT rất muốn tổ chức thi trên máy tính để TS biết kết quả ngay nhưng do điều kiện chưa đủ nên phải làm bài thi trên giấy. Về lâu dài, tiến tới thi trên máy tính khi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện.
Trả lời câu hỏi Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi này như thế nào và bao giờ công bố mẫu đề thi minh họa để thí sinh yên tâm, ông Ga cho hay trong nhiều năm qua, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn theo phương thức đánh giá năng lực. Hiện nay, bộ tiếp quản và tiếp tục cập nhật ngân hàng đề thi đó để mỗi TS có một đề thi trắc nghiệm riêng, bảo đảm tính nghiêm túc.
Theo ông Ga, Bộ GD-ĐT đang thành lập một tổ biên soạn ngân hàng đề thi để bổ sung cho ngân hàng đề thi của ĐHQG Hà Nội. Dự kiến đến tháng 5-2017, ngân hàng đề thi dùng cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ hoàn thiện với khoảng 15.000-17.000 câu hỏi. Từ số lượng câu hỏi này, bộ sẽ tổ hợp thành các đề thi.
“Từ nay tới đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành đề thi minh họa để TS hình dung, chuẩn bị ôn tập” - ông Ga trấn an.
Tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội, cho biết Bộ GD-ĐT đưa ra hình thức thi đánh giá năng lực mới này theo xu hướng thi của thế giới, dịch chuyển từ môn thi sang bài thi, giảm khả năng học lệch, học tủ.
Đề thi tổ hợp chứ không tích hợp
Trước ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải thay đổi theo lộ trình, tránh tình trạng gấp gáp khiến TS và cả các trường không kịp trở tay (Báo Người Lao Động số ra ngày 8-9 đã phản ánh), ông Bùi Văn Ga lý giải để thay đổi như năm nay, Bộ GD-ĐT đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước.
Ví dụ, năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định các trường phải xét tuyển 75% với các khối thi truyền thống, năm 2016 là 50% và năm tới là 25%. Điều này đồng nghĩa với việc TS đã có 3 năm chuẩn bị về khối thi xét tuyển của mình.
“Việc có 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội không phải là thay đổi gì lớn. Một số người nhầm lẫn bài thi tổ hợp với bài thi tích hợp. Tôi khẳng định lại đề thi năm 2017 là đề thi tổ hợp, gồm các môn riêng rẽ ghép lại chứ không phải tích hợp. Do đó, các TS có thể yên tâm, không có sự thay đổi lớn mà chỉ là những thay đổi mang tính chất kỹ thuật để kỳ thi nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn” - ông Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định kiến thức bài thi đều nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12. TS vẫn làm bài thi theo các môn nên giáo viên và các em yên tâm giảng dạy, học tập.
Lấy ý kiến về dự thảo phương án thi
Chiều 8-9, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Theo đó, dự thảo có một số thay đổi so với ban đầu. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức gồm 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Với bài thi ngoại ngữ, TS có thể chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. TS có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
TS giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý). TS có thể chọn thi thêm ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của TS; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Bình luận (0)