Theo dự thảo báo cáo đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ chính quy năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hoàn thành, năm học này vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thi 5 bài tổng hợp
Tuy nhiên, có một số thay đổi quan trọng. Cụ thể, chỉ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác thi trắc nghiệm. Mỗi thí sinh (TS) có một đề riêng, thi 5 bài gồm: toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Đề do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Đề toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội dự kiến có 50 câu hỏi khách quan, có 4 lựa chọn với 1 phương án trả lời đúng.
Học sinh TP HCM thi THPT quốc gia năm 2016 Ảnh: TẤN THẠNH
Bài thi ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Thời gian làm bài thi toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là 90 phút; bài thi văn 120 phút và ngoại ngữ 60 phút. Nội dung đề vẫn chủ yếu trong chương trình lớp 12. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả TS tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH-CĐ giám sát. Thời gian thi diễn ra cùng lúc trên toàn quốc (dự kiến trong 2 ngày vào tháng 6).
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên điểm số của kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình kết quả học tập, rèn luyện của lớp 10, 11, 12 theo tỉ lệ 50:50. Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là một căn cứ để các trường ĐH-CĐ xét tuyển.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bộ đã có một tổ công tác rà soát rất kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT 2017. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga bổ sung rằng việc các trường ĐH chủ trì cụm thi đã khiến một số lượng lớn cán bộ, giảng viên phải di chuyển về tỉnh dẫn đến khó khăn về phương tiện đi lại, ăn ở.
Năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường cơ chế tự kiểm soát thông qua đề thi. Không cần tăng cường nhiều giáo viên mà vẫn rất khách quan nhờ hàng rào kỹ thuật. Việc thi theo đề tự luận là đổi mới có tính chất bổ sung, khắc phục những hạn chế của kỳ thi trước.
Nhiều lựa chọn xét tuyển
Liên quan đến tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 phương thức cho các trường lựa chọn.
Thứ nhất: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT. Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT. TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã công bố.
Thứ hai: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia. Các trường nhận đăng ký xét tuyển dựa vào bài thi THPT quốc gia. TS dùng mã số để đăng ký xét tuyển. Dựa vào dữ liệu chung, các trường có dữ liệu để xét tuyển.
Thứ ba: Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Đây là phương thức dành cho các trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những TS có năng lực phù hợp các ngành nghề đào tạo của trường. Theo đó, các trường có thể tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực. Trong đó, nếu tuyển sinh theo nhóm, các trường tự nguyện đăng ký tham gia nhóm tuyển sinh chung trong cả nước cùng sử dụng kết quả đánh giá chuyên biệt.
Các trường lựa chọn và công bố tổ hợp các môn chuyên biệt dùng để xét tuyển trong các môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bộ GD-DT sẽ hỗ trợ về kỹ thuật: tổ chức nhiều đợt/năm, đề thi rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của ĐHQG Hà Nội.
Đề cho mỗi bài thi chuyên biệt ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm. Riêng môn toán có 35 câu hỏi trắc nghiệm và 15 câu hỏi tự luận trả lời dạng ngắn. Thời gian thi 60 phút. TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng trong nhóm và có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong khi các trường trong nhóm sẽ phải tuân thủ phương thức xét tuyển chung.
Thứ tư: Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác. Các trường sẽ công bố phương thức sử dụng kết quả đánh giá năng lực; công bố tên trường, nhóm trường, mã trường mà trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Thứ năm: Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Với cách tuyển sinh kết hợp này, các trường phải công bố chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng phương án thi này khắc phục những bất cập là TS chỉ được đăng ký 2 trường, 2 nguyện vọng, thông tin không cập nhật thường xuyên.
Ổn định hình thức thi đến năm 2019
Hình thức thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH nêu trên được Bộ GD-ĐT dự kiến kéo dài ổn định từ năm 2017 đến 2019. Từ năm 2020, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một cụm thi cho tất cả TS tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức khảo thí độc lập. Cũng từ năm 2020, mỗi TS sẽ thi 3 bài gồm: khoa học tự nhiên (toán, lý, sinh, hóa), khoa học xã hội (văn, sử, địa, giáo dục công dân) và ngoại ngữ. Đề thi do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Số câu hỏi trong đề cho mỗi bài thi và thời gian của mỗi bài thi sẽ được nghiên cứu xây dựng cho phù hợp.
Bình luận (0)