Tiết học toán của lớp 4C Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) bắt đầu bằng những ví dụ cụ thể, sinh động. Bên cạnh đó là các slide minh họa hấp dẫn làm không khí rất sôi nổi.
Nỗ lực trong nghịch cảnh
Trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Việt Nhung (sinh năm 1975) nở nụ cười hiền. Ít ai biết rằng trong chặng đường 27 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô giáo người dân tộc Tày này từng trải qua nghịch cảnh nhưng cô đã mạnh mẽ trở lại với sự nghiệp trồng người bằng tình yêu tha thiết.
Việc đi lại khó nhọc không thể hạn chế cô di chuyển. Cô đến bàn từng học sinh, dừng lại hướng dẫn tận tình, ân cần giải đáp. Môn học nào cô cũng thiết kế bài giảng độc đáo, cuốn hút, giúp các em chiếm lĩnh kiến thức một cách dễ dàng, chủ động.
Cô giáo Việt Nhung trong một giờ lên lớp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Học sinh Nguyễn Hải Phong chia sẻ: "Cô Nhung tạo cho lớp cảm giác hào hứng, đặt câu hỏi thú vị để chúng em tìm tòi. Nếu như trả lời chưa đúng, cô nhẹ nhàng giải thích, khuyến khích chứ không bao giờ cáu giận".
Cô Nhung kể khi trở lại mái trường sau ca phẫu thuật cắt bỏ chân, mọi người nhìn cô tò mò, thương hại. "Lúc này, tôi dặn lòng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để không ai phải lo lắng, không nhìn tôi với ánh mắt thương hại nữa" - cô Nhung chia sẻ.
Việt Nhung là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Cô theo học hệ 9+3 tại Trường Bồi dưỡng Giáo dục thường xuyên huyện Lục Yên. Năm 1995, Việt Nhung cầm trên tay tấm bằng sư phạm và háo hức trở thành cô giáo khi được nhận về Trường THCS Tân Lĩnh. Năm 1997, cô được chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Yên Thế số 1 (nay là Trường Tiểu học Trần Phú).
Tai ương ập đến với cô giáo trẻ khi đang học lớp nâng chuẩn. Năm 2000, Nhung phát hiện mình mắc bệnh thoát bao hạch dịch ở ổ khớp chân. Những cơn đau giằng xé cơ thể bé nhỏ mỗi đêm. Đến kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 cô về thăm nhà, nhìn bên chân trái của con gái bị teo nhỏ, bố mẹ cô quyết định bảo lưu việc học, đưa cô đi điều trị.
Cô Nhung cùng học sinh chăm vườn bắp cải ở trường
Tia hy vọng chợt lóe khi các bác sĩ dùng xương của chính cơ thể Nhung để ghép xương giữ lại chân trái. Nhưng đến ngày tháo nẹp sắt, cơ thể cô không tiếp nhận phần xương được ghép. Dù được các bác sĩ hết lòng chữa trị nhưng Nhung vẫn phải nhận tin sét đánh: Phải tháo bỏ chân trái. Nhung ngã quỵ, tương lai như tối sầm, rơi vào bế tắc, tuyệt vọng.
Ngoài nỗi đau tinh thần, cô phải vật lộn với cơn đau thể xác dữ dội. "Khi mổ và khoét vùng xương bị tổn thương, phải dùng đến băng gạc cầm máu khiến tôi đau tận xương tủy mỗi khi thay băng" - Nhung nhớ lại.
Mấy tháng ròng điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội), Nhung gầy tọp, nước da xanh vì thiếu nắng, kéo theo âu lo của cả nhà. Cô tâm sự: "Mẹ tôi sốc khi nghe tin tôi phải tháo một chân nên sức khỏe suy giảm, bố tôi tuổi đã cao phải trực ở viện; em gái vừa học đại học vừa dành thời gian vào chăm tôi. Trong bệnh viện, tôi thấy nhiều người rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, có người mất đôi tay, mất con mắt, có người chẳng có người thân bên cạnh lúc lâm chung. Tôi thấy mình còn may mắn khi có gia đình, đồng nghiệp ở bên, điều đó khiến tôi vực dậy và trân quý cuộc sống, trân quý sự yêu thương".
Cây "sáng kiến" hữu ích
Trở lại công việc sau 2 năm chiến đấu với bệnh tật, Nhung phải đi chân giả. Vì lý do sức khỏe, cô được nhà trường phân công công tác thư viện. Được một thời gian, khao khát dạy học thôi thúc cô đề xuất nguyện vọng với ban giám hiệu. Đúng lúc có giáo viên chuyển trường, cô Nhung tận dụng "cơ hội vàng" quay lại bục giảng. Khi Nhung giảng thử, ban giám hiệu khá lo cho sức khỏe của cô, sợ cô không thể đứng lâu, không đi được xuống cuối lớp để tạo sự đồng bộ trong lớp học, song cô đã cố gắng trong từng bước đi và được ban giám hiệu đánh giá tiết học tốt, đủ điều kiện giảng dạy.
Năm học 2004-2005, cô Nhung tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và giành "cú đúp" giải thưởng: "Tiết dạy có phần minh họa hiệu quả nhất", "Bộ hồ sơ có chất lượng". Không ngừng sáng tạo, cô Nhung được nhà trường tin tưởng giao bồi dưỡng học sinh giỏi và làm tổ trưởng tổ chuyên môn, giúp đỡ các giáo viên mới vào nghề.
Nhung được ví như "cây sáng kiến". Cô có hàng loạt sáng kiến như: "Rèn đọc cho học sinh lớp 4 theo hướng phát triển năng lực", "Một số biện pháp nâng cao năng lực viết văn miêu tả cho học sinh lớp 4", "Một số biện pháp dạy toán có lời văn cho học sinh lớp 5 năm 2011" được áp dụng trong chương trình giáo dục tiểu học tỉnh Yên Bái.
Việt Nhung đã gắn bó với chiếc chân giả trong cuộc sống và công tác gần 20 năm. Hằng năm, Nhung vẫn phải đến cơ sở chỉnh hình để bảo dưỡng, thay thế chân giả khi cần. Cô chăm sóc và coi chân giả như một phần máu thịt.
Trân trọng nghị lực của cô Nhung, ban giám hiệu nhà trường qua các nhiệm kỳ và đồng nghiệp luôn động viên, tạo điều kiện cho cô công tác tốt. Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, cho biết: "Từ khi mới bước chân vào nghề, dạy học theo phương pháp truyền thống, cô Nhung đã có những sáng tạo để có những giờ dạy hay. Và bây giờ, khi nhà trường được trang bị nhiều thiết bị dạy học hiện đại và thực hiện chuyển đổi số thì cô Nhung đã đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp". Ông Trần Quý Dương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, đánh giá Việt Nhung là tấm gương vượt khó, giàu tâm huyết và sáng tạo, nổi bật trong ngành giáo dục địa phương. Cô đã được trao: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú do Chủ tịch nước tặng năm 2017; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2019; cô còn là đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Bình luận (0)