Ngày 28-7-1990, sau 15 năm hoạt động, Báo Công Nhân Giải Phóng quyết định đổi tên thành Người Lao Động - những người làm báo đã bày tỏ ý hướng mở rộng đối tượng phục vụ và khát vọng phản ánh, khám phá những vấn đề nóng bỏng, thiết thân của đời sống.
Đa dạng, phong phú
Từ đây, Báo Người Lao Động đồng hành với bạn đọc ở mọi ngành nghề, mọi môi trường hoạt động: trong xưởng máy, trên ruộng đồng, giữa thương trường, trong phòng thí nghiệm, trên bục giảng, sân khấu, bàn viết… Độc giả của báo quan tâm không chỉ đến sản xuất và kinh tế mà còn đến sự phát triển của giáo dục và văn hóa nghệ thuật.
Người Lao Động trở thành tờ báo của mọi gia đình nhờ cấu trúc bài vở với tỉ lệ hợp lý dành cho những vấn đề chính trị - xã hội thời sự, hoạt động Công đoàn và các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Bởi lẽ, người lao động đích thực cần được làm giàu về tri thức, kiến văn, làm phong phú về tâm hồn và cần có cái nhìn rộng mở, sâu sắc về những diễn biến xã hội chung quanh mình.
GS-TS Huỳnh Như Phương tại lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” 2018-2019 trên Báo Người Lao Động Ảnh: Hoàng Triều
Trong xã hội, một trong những tiêu chí đạo đức của con người là thái độ đối với lao động. Người làm việc vô trách nhiệm, ăn gian làm dối, nói một đàng làm một nẻo sao có thể gọi là người có đạo đức? Nói thương yêu, tôn trọng nhân dân, ứng xử nhân văn với con người mà chỉ trên đầu môi chót lưỡi thì chẳng có ý nghĩa gì. Tình thương yêu phải đi liền với hành động, với việc làm thiết thực, để người dân có thể ăn no, mặc ấm, có nhà cửa để an cư và được học hành. 45 năm qua, Báo Người Lao Động kiên trì với mục tiêu đó qua hàng ngàn bài báo nói lên những mặt sáng cần phát huy và mặt tối cần xóa bỏ trong xã hội.
Người lao động cũng cần hưởng thụ một đời sống văn hóa nghệ thuật đa dạng, cả truyền thống lẫn hiện đại, với nhiều loại hình, khuynh hướng và phong cách khác nhau. Đọc những bài điểm sách, điểm phim trong nước và nước ngoài trên mặt báo, có thể thấy Người Lao Động luôn kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới với nỗ lực phát huy phẩm chất văn hóa của dân tộc mình. Gân đây, tôi theo dõi với nhiều thích thú loạt bài phỏng vấn của nhà báo Thanh Hiệp trên Trang Văn hóa - Văn nghệ, đặc biệt là phần trả lời rất khiêm tốn, bao dung và lạc quan của nghệ sĩ Văn Hường.
Cách nhìn riêng, khách quan, điềm tĩnh
Là nhà giáo, tôi luôn quan tâm đến những sự kiện và ý kiến về giáo dục trên mặt báo. Đây cũng là vấn đề liên hệ mật thiết đến mọi gia đình và luôn làm lo âu trong lòng các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và nhất là thế hệ trẻ.
Về phương diện trên, theo thiển ý, Người Lao Động là một trong những tờ báo có cách nhìn và thái độ khách quan, điềm tĩnh. Một ví dụ tiêu biểu là trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành, đã xuất hiện một số ý kiến muốn tạm đình chỉ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thế nhưng, Báo Người Lao Động vẫn kiên trì quan điểm tổ chức kỳ thi để ổn định chất lượng giáo dục, tất nhiên là có sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với những khó khăn khách quan của tình hình triển khai năm học. Thực tế đang chứng minh đây là quan điểm đúng đắn.
Sắp tới đây, giáo dục phổ thông và đại học có lẽ vẫn là lĩnh vực có nhiều điểm nóng gây bức xúc và trăn trở trong xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng là một chỗ dựa tinh thần mà người lao động cần đến để định hướng cho sự chọn lựa của mình. Chẳng hạn, trong vòng 5 năm tới, thị trường sách giáo khoa sẽ chứng kiến một cuộc chiến giành thị phần khốc liệt. Về phương diện này, xã hội cần tiếng nói phân minh, trung thực, không thiên vị về chất lượng sách giáo khoa của các nhà chuyên môn trên mặt báo. Như từ trước tới nay, tôi luôn tin tưởng rằng Người Lao Động là một trong những tờ báo phản ánh khách quan, toàn diện hiện tượng nhạy cảm này để bảo vệ quyền lợi của học sinh, đồng thời bảo vệ uy tín của ngành giáo dục và của chính báo chí.
Nhìn những hoạt động phong phú và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nói chung, những nội dung kịp thời và nhạy bén về văn hóa - giáo dục nói riêng của Người Lao Động, có thể thấy tờ báo đang từng bước khẳng định mình không chỉ là cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn hay của một địa phương mà còn là tiếng nói của một vùng đất có khả năng bao quát cuộc sống đang biến đổi từng ngày trên đất nước chúng ta.
Bình luận (0)