Về thăm Trường Mầm non Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), nhắc đến cô giáo Quách Thị Nụ thì đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đều bày tỏ sự yêu mến, kính trọng. Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô Nụ còn tình nguyện đưa đón các em học sinh đến trường trước điều kiện sông nước đầy khó khăn trên dòng sông Đà hùng vĩ.
Sóng cả, vững tay chèo
Mỗi sáng sớm tinh sương, hình ảnh cô giáo Nụ hiền từ lái thuyền (có gắn động cơ) đi đón các em học sinh mầm non và tiểu học ở xã Đồng Ruộng đến trường đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương với bà con nơi đây. Tuy nhiên, nhớ lại cái ngày đầu tiên cô Nụ đưa học sinh đến trường bằng thuyền chèo tay, đạp chân, nhất là vào những hôm mưa gió thì không ít người cảm phục về tình yêu của cô Nụ với học trò.
Cô giáo Quách Thị Nụ sinh năm 1987, người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đồng Ruộng. Từ thuở ấu thơ, cô Nụ đã gắn bó với vẻ đẹp "dữ dội" của con sông Đà trên hành trình đến trường. Khi mới về làm giáo viên tại Trường Mầm non Đồng Ruộng năm 2005, nhận thấy việc đi lại khó khăn là nguyên nhân chính khiến nhiều em nhỏ không thể đến lớp, cô Nụ đã đề xuất với ban giám hiệu nhà trường và các phụ huynh để cô đưa đón các em đi học.
Cô Quách Thị Nụ và học trò Trường Mầm Non Đồng Ruộng
Ý tưởng của cô Nụ được mọi người ủng hộ, song chẳng mấy ai dám tin cô Nụ sẽ làm công việc này được lâu dài, bởi sự vất vả và việc gia đình còn nhiều bộn bề.
Chẳng để mọi người phải hoài nghi lâu, cô Nụ liền về nhà sắm sửa lại chiếc thuyền, bộ tay chèo và hẹn các em học sinh cứ 5 giờ sáng tập trung tại bến sông. Để bảo đảm an toàn, cô trang bị áo phao cho các em. Với tay chèo đã được tôi luyện từ tấm bé, chiếc thuyền nhỏ chở học sinh mỗi ngày cứ lướt nhẹ nhàng đến trường, rồi chiều tà tan học, thuyền lại xuôi dòng sông về bến cũ trong tay chèo của cô Nụ.
Mỗi chuyến thuyền cập bến là một niềm hạnh phúc lớn lao trong lòng người giáo viên trẻ tuổi, công tác ở vùng có điều kiện khó khăn. Nhìn lũ trẻ hớn hở rời thuyền lên bờ chạy về phía cổng trường, cô Nụ thở phào chia sẻ: "Điểm trường bản Nhạp lúc đó mới thành lập còn nhiều tạm bợ và nằm gọn trong dòng suối ngoằn ngoèo. Các em nhỏ phải đi 2 chặng mới đến được trường, chặng một phải đi bộ 3 km ra bến sông rồi đi thuyền 3 km nữa. Thường thì các em phải dậy từ 4 giờ sáng mới kịp giờ lên lớp, rất vất vả nhưng thấy các em ham học, chăm ngoan tôi càng có thêm động lực làm công việc này".
Còn sức khỏe, còn đón đưa học trò
Chèo thuyền tay được 2 năm thì cô Nụ lập gia đình. Niềm vui hôn nhân của cô Nụ bỗng trở thành sự hụt hẫng của nhiều phụ huynh khi họ nghĩ rằng cô sẽ khó có thể sắp xếp thời gian để tiếp tục "vững tay chèo" đưa học sinh đến lớp.
Nhưng cô Nụ tiếp tục làm mọi người bất ngờ. Không chỉ tiếp tục đưa đò, cô Nụ còn bàn với chồng bán đôi bò của gia đình để lấy tiền nâng cấp thuyền lớn hơn và gắn động cơ vào năm 2011. Đôi bò ngày ấy rất giá trị nhưng ngay lập tức chồng cô, anh Đinh Văn Đồng đồng ý bán.
Đôi bò bán được 15 triệu đồng được cô Nụ đầu tư mua thuyền lớn, chở được khoảng 15 học sinh. Việc di chuyển chỉ mất khoảng 25 phút thay vì 1 giờ chèo tay như trước.
Cô Nụ kể từ ngày có thuyền máy, việc đưa đón các em thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vào những ngày mưa gió, dày sương, cô vẫn phải đi thật chậm để bảo đảm an toàn. Gần 17 năm cầm lái, chưa một lần nào chuyến đò của cô trò gặp sự cố nên các bậc phụ huynh rất yên tâm vào đôi tay của cô Nụ.
Không những thế, cô Nụ tự trang trải tiền xăng dầu cho thuyền mà chưa bao giờ ngỏ lời phụ huynh đóng góp. Với cô Nụ, sự trả công đáng giá nhất chính là sự chăm ngoan, học giỏi của học trò trên con đường tìm kiếm tri thức.
Cô Nụ lái thuyền đưa học sinh đến trường hằng ngày. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chia sẻ về việc làm của cô giáo Nụ, chị Bùi Thị Nguyệt - phụ huynh của cháu Nguyễn Phi Nhung - hết lời cảm phục: "Ở Đồng Ruộng, việc đưa các cháu đi học khá khó khăn vì địa hình chia cắt, nhiều sông suối nhưng có cô Nụ thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hẳn. Chúng tôi rất yên tâm giao con em cho cô Nụ đưa đến trường và dạy dỗ, chỉ mong sao cô nhiều sức khỏe để tiếp tục một vai gánh hai việc này".
Đến nay, được sự quan tâm của các cấp, ngành, điểm trường xóm Nhạp đã được di chuyển đến vị trí mới và xây dựng kiên cố, cô Nụ không còn phải đưa đón học trò đến trường nữa. Tuy nhiên, đối với học sinh Trường THCS Đồng Ruộng thì vẫn phải vượt sông Đà để đến trường hằng ngày. Thấy vậy, cô Nụ lại xung phong đón những vị khách mới đến trường rồi mới trở về trường mầm non làm việc. Cô bảo: "Tuy học sinh THCS đã lớn nhưng để các cháu tự đi đến trường không yên tâm nên tôi lại tiếp tục công việc này, vì tôi coi các em học sinh như con cái của mình thôi".
Chia sẻ về ước mong và dự định tương lai, cô giáo Quách Thị Nụ nở nụ cười phúc hậu: "Tôi ước sẽ sớm có con đường liên xã để cô trò không phải lênh đênh trên thuyền đến trường. Còn trong thời gian chưa có, tôi vẫn sẽ tình nguyện đưa đón các em, kể cả sau này khi nghỉ hưu mà còn sức khỏe thì tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này".
Tình yêu lớn dành cho học trò
Không chỉ vững tay chèo trước đầu sóng ngọn gió, cô giáo Quách Thị Nụ còn là người có chuyên môn giỏi, tận tâm với sự nghiệp trồng người. Cô luôn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để tham gia các lớp học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Đến nay, cô Nụ đã công tác tại trường được 18 năm và được giao nhiều trọng trách như phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ kiêm chủ tịch Công đoàn trường. Nhiều nhiệm vụ như thế nhưng vai nào cô Nụ cũng luôn tận tâm, nhiệt huyết, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô Lường Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng, nhận xét: "Cô Nụ là người có chuyên môn giỏi và tình yêu rất lớn với học trò. Dù ở vị trí công tác nào cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho nên khi mới 26 tuổi cô Nụ đã được giao trọng trách phó hiệu trưởng và nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh".
Với những nỗ lực và cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở Đồng Ruộng, cô giáo Quách Thị Nụ nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; một trong những cá nhân điển hình của tỉnh Hòa Bình vinh dự góp mặt giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)