Giải tán lớp. Đó là buổi chia tay đầy niềm hân hoan với tôi, từ nay sẽ tránh được những đứa cùng lớp cũ thường xuyên bắt chuột và rắn bỏ vào hộc bàn, dọa đánh tôi. Thậm chí rủ nhau cười ồ lên khi thấy tôi mặc chiếc áo màu "cháo lòng" đến lớp. Chúng làm vậy vì bạn được thầy cô kêu lên phát biểu hoặc bài kiểm tra của bạn cao điểm hơn tụi nó hoặc vì "thích" thế thôi.
Thầy chủ nhiệm mới
Lớp tôi, lớp 6A4 được tách ra để bổ sung số lượng vào các lớp khác. Cô Trâm chủ nhiệm vui vẻ thông báo (xem ra cô cũng ngán cái lũ "nhất quỷ nhì ma", ưa làm trò của lớp này lắm rồi):
- Hết hè này, lên lớp 7, các em được tách lớp, lớp ta sẽ bổ sung vào các lớp khác. Chút nữa cô đưa danh sách cho bạn Việt lớp trưởng đọc cho các em biết mình sẽ vào lớp nào.
Đó là hôm trời mùa thu, tôi vào lớp mới 7A2, phòng học mới, bàn ghế mới, bảng đen mới không lỗ chỗ nhem nhem, hàng cây ngoài cửa sổ cũng mới không kém, nó xanh hơn và hoa mười giờ đủ màu nở rực rỡ trong ô vuông trước lớp.
Thầy chủ nhiệm của lớp tôi là thầy Nguyễn Văn Cẩn, mới chuyển từ Trường THCS xã Hoài Hương về. Nhưng tôi phát hiện thầy có một cái cũ, giống tôi, là chiếc áo trắng cũ sờn đóng thùng trong chiếc quần đen gọn ghẽ.
Điều ấy có thể khiến người khác không chú ý lắm, vì thầy trông vẫn chỉn chu, đỉnh đạc nhưng tôi lại thấy vui vui vì chiếc áo cũ ấy.
Thầy Nguyễn Văn Cẩn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
- Thầy dạy môn ngữ văn và chủ nhiệm lớp ta. Các con biết câu thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu không? "Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" (câu thơ này về sau trong tiết giảng nào thầy cũng đem ra nói như thói quen). Các con có biết rằng các con may mắn khi ngồi ở đây không?
Cả lớp tròn xoe mắt, thằng Dũng sún kế bên quay sang cười khì một cái, trông nó thiệt dễ thương.
Thầy nói tiếp:
- Lớp cũ các con có bao nhiêu người?
- Dạ 42 ạ - thằng Việt lớp trưởng lớp 6 cũ nhanh nhảu trả lời.
- Các con có biết tại sao lại phải gộp lớp không?
- Dạ vì các bạn nghỉ học nhiều quá ạ.
- Vậy tại sao các bạn phải nghỉ học, các con có biết không?
Cả lớp im lặng.
Thầy lấy phấn viết lên bảng chữ in hoa: "NGHÈO", rồi nói tiếp: "Đây là lý do. Gia đình các bạn ấy nghèo nên mới cho con nghỉ học để ở nhà phụ giúp, và cha mẹ các bạn ấy cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc học, đó là nghèo về kiến thức".
Vài gương mặt trong lớp tôi trở nên sáng ra.
- Các con thương mến, biết vậy cho nên chúng ta phải sống cho thật tốt và ý nghĩa nhé. Và đặc biệt, phải quý mến bạn bè, không vì bạn nghèo mà xa lánh, khinh rẻ. Nào, bây giờ, lớp mới cần phân chia lại nhiệm vụ. Ai xung phong?
- Dạ con xung phong làm lớp trưởng ạ - Thằng Việt nhanh nhảu nhận vai.
- Dạ thưa thầy, năm ngoái con làm lớp phó học tập ạ - Con Nhạn giọng van lơn.
Ba bốn đứa giơ tay nhận các nhiệm vụ còn lại gồm lớp phó lao động, văn thể mỹ, tổ trưởng. Cuối cùng, vị trí tổ trưởng tổ 2 còn chưa ai nhận, mười hai con người nhìn nhau chỉ qua chỉ lại thì thầy đột nhiên chỉ điểm tôi.
- Thưa thầy, năm lớp 6 học kỳ 1 con học sinh yếu. Thầy phân công bạn khác học giỏi hơn… - Tôi đứng dậy run rẩy.
- Nó còn bị đứng trụ cờ 1 lần nữa đó thầy ơi! - Thằng Quán bồi thêm.
Nhưng thầy đã cất lời: "Không sao, năm nay sẽ là học sinh giỏi, biết đâu chừng, con cứ nhận nhiệm vụ này đi".
Suốt đường về chiều hôm ấy, tôi mê man trong nỗi sung sướng với vị trí mới này, sao may mắn lại chắp cánh cho tôi. Này đừng xem thường chức này đó nhé! Chức này cho phép bạn được dò bài bất kỳ bạn nào trong tổ trước giờ vào học. Oai lắm chứ chẳng đùa! Tôi hái một bông hoa cúc dại, thấy hoa thơm lạ kỳ.
Buổi học đầu tiên, để kiểm tra trình độ môn văn của lớp, thầy ra đề: Tả người thân em quý mến nhất. Tôi tả bà ngoại, cuối bài còn đề 4 câu tặng ngoại. "Yêu biết mấy, tóc ngoại lơ thơ bạc/Chiều hoàng hôn hong bếp lá dừa/Thương biết mấy, mắt mờ ngoại mong ngóng/
Mái tranh nghèo, bên cánh võng đung đưa".
Bài văn "đổi đời"
Tôi còn nhớ như in, đó là tiết thứ 4 của chiều ngày thứ sáu. Thầy gọi:
- Em Đỗ Thị Mỹ Dung đâu?
Cả lớp 48 con người là 96 con mắt dán lên người tôi với đủ loại cảm xúc: sợ hãi, ghen ghét, thỏa mãn, hả hê, chờ đợi, cả thương hại nữa. Giá mà lúc đó có cái hố nào đó chui xuống được thì tôi đã chui ngay tắp lự.
Tôi từ từ nhích mông khỏi ghế, cảm giác như mọi vật quay quay, trời đất âm u, mới 3 giờ chiều mùa hè mà y như thể 6 giờ tối mùa đông.
- Con lên đứng giữa bảng đó - thầy nói giọng ân cần.
Tôi nghe giọng thầy như giãn ra, u u âm âm như tiếng vọng từ âm tào địa phủ trong mấy bộ phim ma. Lạ lùng thay cái bảng hình như cũng sợ hãi tôi, tôi bước chân đi lên gần nó, nó lại đi xa tôi hơn, chắc nó sợ bị tôi liên lụy.
- Nhanh lên, con làm gì mà đi chậm vậy - Thầy giục.
Tôi úp mặt vào bảng.
Thầy ân cần: "Quay xuống lớp, cầm cái bài tập làm văn này đọc to cho cả lớp nghe đi, con".
Hai tay tôi giơ ra, đón đôi giấy kiểm tra. Tôi thậm thò hiểu ra. Hóa ra vì cái tật viết bay bướm, cái tật thêm thắt, làm thơ ngu ngốc mà ra. Chắc thầy bắt đọc để làm gương cho cả lớp, bỏ cái tật viết bậy bạ đây mà. Thôi thôi, xin chừa, xin chừa từ nay.
Nghĩ thế, rồi tôi cũng đọc dưới sức ép của những con mắt tò mò và cặp mắt kính của thầy. Lâu lâu nhìn xuống dưới, thấy có đứa tủm tỉm, tổ cha nó, nó đang cười mình đấy mà, chắc nó hả hê lắm. Đọc hết trang 1, qua trang 2, tôi nhìn xuống thấy con Châu, thằng Dũng cùng bàn ngồi khoanh tay trên bàn yên lặng, hai đứa này hiền lành ít nói nhất lớp, chắc chúng thương cảm đây mà. Tôi an tâm đọc qua trang 3, 4.
Vừa đọc xong phần kết bài, thầy vỗ tay và cả lớp vỗ tay theo. Tôi nghĩ có đứa chắc cũng chưa biết vỗ vì cái gì đâu. Từ ấy, tôi trở thành cây bút đặc biệt được thầy ưu ái trong lớp, "người hướng dẫn" môn ngữ văn 15 phút đầu giờ.
Đọc đến đây, có lẽ nhiều người sẽ cười vì thấy thầy tôi không có gì đặc biệt cho lắm, bài dạy hay kỷ niệm của thầy cũng đơn giản so với những đạo lý nhiều thầy cô khác đã trao truyền. Nhưng với một học sinh nghèo vùng quê như tôi lúc ấy thì đó là một người thầy vĩ đại, là kỷ niệm cả đời khắc ghi.
Thăm thầy tuổi xế bóng
Trường quê tôi bây giờ khang trang hơn, thầy cô cũng nhiều hơn, trẻ hơn, giỏi hơn, nhiều bằng cấp hơn. Nhưng không biết các em học sinh lứa sau có được nghe những lời dạy về cách sống sao cho nhân văn hơn, cho đẹp và xứng đáng hơn hay lại được dạy cho xong giáo án, chạy theo thành tích...
Bây giờ cũng là mùa thu, câu chuyện tôi kể đã lùi vào quá khứ gần 20 năm. Thầy tôi trở thành cụ già 70 tuổi. Hôm trước, "đột kích" nhà thầy, thầy chẳng còn nhớ. Nhưng khi nghe đọc câu thơ: "Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh...", thì thầy bật hô lớn: "Con học khóa nào vậy nhỉ?"
Tôi tủm tỉm: "Giờ con vẫn còn đang học đây. Thầy giảng tiếp đi. Thầy đang nói đến đoạn: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình rồi ạ..."
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)