Tham gia buổi tập huấn có TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ông Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Hiệu trưởng THPT Chu Văn An, TP Phan Rang - Tháp Chàm; Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị, cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi và hơn 150 giáo viên từ các trường THPT ở tỉnh Ninh Thuận.
Đông đảo giáo viên tham gia buổi hướng nghiệp lắng nghe phát biểu của TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho biết giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh và công tác rất quan trọng, một trong những nhiệm vụ của thầy cô để giúp học sinh chọn đúng ngành, làm đúng nghề. Song hiện nay, giáo viên còn lúng túng trong công tác hướng nghiệp.
Nhận thấy điều đó, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Báo Người Lao Động và Bộ GD-ĐT cùng các trường ĐH, CĐ tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên tư vấn tuyển sinh. Đây là hoạt động nhằm trao đổi, chia sẻ những mô hình hướng nghiệp trong các trường THPT hiện nay và là cơ hội để hợp tác giữa các trường ĐH, CĐ với trường THPT.
"Chương trình rất ý nghĩa, được Báo Người Lao Động tổ chức 22 năm nay, có những hiệu quả rõ rệt, giúp học sinh lựa chọn đúng trường, đúng nghề theo học. Chương trình giúp thầy cô có cái nhìn khái quát về công tác hướng nghiệp. Qua chương trình, thầy cô sẽ mạnh dạn chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công tác hướng nghiệp" - bà Thi nhận xét.
Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Hiệu trưởng THPT Chu Văn An, đây là lần đầu tiên 22 trường THPT của tỉnh Ninh Thuận mới có cơ hội ngồi lại với nhau, chia sẻ một vấn đề. Đối tượng tham gia buổi hướng nghiệp không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, giảng dạy hướng nghiệp mà còn có rất nhiều thầy cô là lãnh đạo các trường, những giáo viên xuất sắc. Cô Hạnh hy vọng buổi tư vấn sẽ mang lại nhiều kiến thức hữu ích để thầy cô củng cố thêm khả năng hướng nghiệp cho học sinh.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lưu ý thầy cô phải giúp học sinh tìm hiểu thật kỹ về yêu cầu xét tuyển của trường ĐH mình đăng ký. Việc hướng nghiệp phải được làm sớm và rất cần thiết để phân luồng học sinh. Mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, các em thường có 3 lựa chọn chính: Tiếp tục học đại học, cao đẳng; học tại các trường giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động.
TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, phát biểu
Theo TS Phạm Như Nghệ, nhiều chuyên gia nước ngoài cho biết khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và thu nhận những người tốt nghiệp THPT hoặc chưa tốt nghiệp thì giai đoạn 5-10 năm đầu họ đã khai thác hết. Sau 10 năm, khi doanh nghiệp không dùng nữa, những lao động đó chuyển đổi nghề nghiệp rất khó. Những người không được đào tạo cơ bản khi tham gia thị trường lao động thường đảm nhận những việc đơn giản, nặng nhọc, lương thấp.
"Như vậy, giáo viên phải phân tích cho học sinh thấy mỗi con đường sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tuỳ hoàn cảnh để các em lựa chọn. Nếu học sinh tốt nghiệp THPT và tham gia thị trường lao động ngay thì cơ hội tiếp tục học tập vẫn còn, thậm chí học lên thạc sĩ, tiến sĩ" - ông Nghệ nhấn mạnh.
Một cô giáo đến từ Trường THPT Nguyễn Trãi cho hay nhiều học sinh rất muốn học đại học, ra trường xin được việc làm ổn định và có thu nhập cao, song thực tế thì khó để đạt được như vậy. Làm sao để giáo viên có thể tư vấn để các em đi đúng hướng và đạt được mong ước này?
Theo TS Phạm Như Nghệ, tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới khá cao, kể cả các nước phát triển. Theo Tổng cục Thông kê, nước ta có khoảng 52 triệu lao động phổ thông, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khoảng 4%. Điều này không cần phải quá lo lắng. Tình trạng thất nghiệp cũng có vai trò kích thích các doanh nghiệp phải có giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, điều kiện lao động và lương; đồng thời kích thích các cơ sở giáo dục phải cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhiều câu hỏi đắt giá của giáo viên gửi đến diễn giả tham gia buổi hướng nghiệp
Ngoài ra, các thầy cô cũng cần tư vấn cho học sinh rằng không phải học càng cao sẽ làm giảm tỉ lệ thất nghiệp. Nếu tốt nghiệp đại học, sau đại học thì yêu cầu làm việc, lương, thưởng... của họ sẽ khác với người tốt nghiệp THPT hay trung cấp, cao đẳng. Điều này còn phục thuộc mong muốn, trình độ, nhu cầu của mỗi người. Muốn có việc làm ổn định, lương cao, các em cần phải được đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao và phải chọn ngành phù hợp năng khiếu của riêng.
Bên cạnh đó, các em cũng cần tự nhận định, định hướng cho mình rằng không nhất thiết bắt buộc ra trường phải làm trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp, làm chủ.
Một giáo viên đến từ Trường THPT Tháp Chàm nói về vấn nạn "chạy việc" hiện nay. Cụ thể, thầy nêu ra những trường hợp học đại học, khi ra trường phải bỏ một khoản tiền để "chạy" vào cơ quan nhà nước, công ty, trường học... Nhưng khi đã "chạy" vào được thì mức lương rất thấp, không đáp ứng nhu cầu sống và bỏ việc. Bộ GD-ĐT có biết vấn đề này không và xử lý ra sao?
TS Phạm Như Nghệ cho rằng đây là thực trạng rất đáng quan tâm, không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan là hiện nay, Việt Nam đang chống tiêu cực rất tốt.
"Khi số sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều hơn vị trí việc làm thì thất nghiệp sẽ xảy ra. Khi tiêu cực xảy ra không phải dễ khắc phục nhưng chúng ta đang rât cố gắng, hướng đến sự tốt nhất cho các em" - ông Nghệ nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhị - Nhà giáo Ưu tú, cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi - cùng TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chia sẽ những điều tâm đắc về công tác hướng nghiệp cho học sinh
Trả lời bổ sung vấn đề này, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng tình trạng sinh viên ra trường phải bỏ một khoản tiền rất lớn để có việc, sau đó nhận một công việc với mức lương thấp xảy ra rất nhiều. Ngay trong ngành giáo dục hiện nay, thầy cô nhận mức lương không tương xứng. Vì cuộc sống, không ít thầy cô phải làm thêm công việc khác. Điều này rất đáng tiếc, cần có những chính sách đặc biệt cho ngành giáo dục...
Bình luận (0)