Theo Sở GD-ĐT TP HCM, mặc dù năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc dạy học hoàn toàn diễn ra trên Internet, nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, học sinh thành phố đã vượt khó, tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cho nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Có những công trình khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng vì tính thiết thực và ứng dụng, sáng tạo. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, có 88 dự án của học sinh nêu các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 như: dự án giải pháp công nghệ phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 trở nặng, Robot hỗ trợ chuyển hàng tránh tiếp xúc... Ngoài ra, có 411/887 dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi.
Nổi bật nhất trong các công trình này, có thể kể đến công trình "Trung tâm trợ lý học tập trực tuyến" của em Lê Gia Hưng và Vũ Minh Khang, học sinh lớp 8A3, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Tính thiết thực của công trình thể hiện ngay ở tên đề tài khi HS rất nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có TP HCM đang phải học tập trực tuyến. Với công trình này, theo chia sẻ của em Vũ Minh Khang, mục tiêu nhằm cung cấp ứng dụng nhắc nhở thời khoá biểu, khuyến khích học sinh tự giác học tập.
"Do dịch Covid-19, lớp em đã thiết lập một nhóm học tập, qua đó em học hỏi được nhiều điều như chủ động hơn trong việc hoàn thành bài tập đúng hạn, biết thiết lập thời khoá biểu để làm được nhiều việc trong ngày. Việc tham gia nghiên cứu khoa học sẽ không tốn nhiều thời gian của các bạn học sinh, lại giúp cho bạn hiểu thêm về thực tế cuộc sống. Chẳng hạn như phần mềm của nhóm em nghiên cứu vấn đề học sinh có nhiều bài tập nhưng phụ huynh chưa kiểm soát được"- Minh Khang cho biết.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa với công trình "Trung tâm trợ lý học tập trực tuyến"
Một đề tài được đánh giá cao trong vòng chung kết nghiên cứu khoa học năm 2021 của học sinh TP HCM là dự án "Xây dựng thành phố bảo tàng mở - công nghệ 4.0" của hai học sinh Trương Tấn Hoàng và Nguyễn Tấn Toàn- Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Theo một giám khảo là nhà khoa học có tiếng tại vòng chung kết, đây là công trình có tính thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay.
Học sinh Trương Tấn Hoàng cho biết lâu nay những địa danh nổi tiếng của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức bà…nhưng hầu hết chỉ biết qua thông tin sách vở, nghe thầy cô, ba, mẹ truyền lại. Mục tiêu của em là công nghệ hoá, phát triển thành một ứng dụng để bất cứ khi nào cần, người dùng đều có thể tra cứu những thông tin, câu chuyện về các địa danh, địa điểm đó. Trước đây mình phải nghe, phải đọc sách thì giờ tóm tắt trong một tệp nói, một tệp văn bản…Việc này vừa khuyến khích tìm hiểu, nâng cao khả năng kiến thức về văn hoá, lịch sử của mỗi người.
Chia sẻ về công trình này, Trương Tấn Hoàng cho biết các em sẽ xây dựng, nghiên cứu ứng dụng, chức năng của các bảo tàng truyền thống thành trang tổng quát và công nghệ hoá các trang, chức năng đó. Cụ thể, gồm 4 trang, trong đó trang tổng quát sẽ là trang để người dùng chọn bất kỳ một bảo tàng, địa danh nào đó trong thành phố. Ở trang thực tế ảo sẽ là trang mang bảo tàng đến bất cứ nơi đâu nhằm để người dùng tham quan di tích trong thành phố.
Ở trang bản đồ sẽ định vị danh lam thắng cảnh, bảo tàng, liên kết với thiết bị điện tử, đồng hồ thông minh, ở trang cá nhân sẽ dùng để người dùng đăng ký tài khoản, có thể mua gói hoặc miễn phí và lưu trữ thông tin cá nhân của người đó. Trong tất cả các trang ứng dụng này đều có giọng thuyết minh của hướng dẫn viên. "Sau khi các ứng dụng cơ bản được hoàn thành, chúng em mong muốn phát triển thêm theo hướng sẽ liên kết các bảo tàng trong và ngoài TP với nhau. Đồng thời sẽ liên kết với các tiện ích khác như trạm dừng chân, hệ thống máy tính cảm ứng để tra cứu thông tin, quãng đường đi, các dịch vụ vận tải, ẩm thực liên quan"- Tấn Hoàng cho biết.
Bình luận (0)