Hôm nay (21-5), Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Những điểm nhấn đáng quan tâm nhất của dự án luật này là miễn học phí cho học sinh (HS) THCS theo lộ trình, trượt tốt nghiệp được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình, thay đổi chính sách học phí với sinh viên (SV) sư phạm, nâng chuẩn được đào tạo của giáo viên, tổ chức nước ngoài được kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam…
Miễn học phí cần tính tới hụt ngân sách
Theo Luật Giáo dục hiện hành, chỉ HS tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã điều chỉnh theo hướng miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và HS tiểu học, THCS trường công lập.
Cụ thể, đối với trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được hỗ trợ tiền đóng học phí. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định (khoản 1 điều 98). Chính sách không thu học phí được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ ban hành, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng miễn học phí bậc THCS là chính sách ưu việt; giúp thúc đẩy phát triển giáo dục, tạo sự bình đẳng, mang lại cơ hội học tập cho mọi người. Ngoài ra, chính sách này còn giúp định hình việc phân luồng HS THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, miễn học phí đối với HS THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu HS được hưởng lợi.
Tuy ủng hộ chính sách miễn học phí cho HS THCS nhưng tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần tính tới phần hụt ngân sách của các trường. Vì hiện nay, trường được giữ lại một phần các khoản thu từ học phí và theo cơ chế phân bổ ngân sách của các trường là 18% chi cho hoạt động giáo dục, 82% chi cho thường xuyên.
Không miễn học phí cho sinh viên sư phạm
Hiện nay, HS-SV sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí với SV sư phạm được ngân sách cấp bù với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục.
Theo quy định mới tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), HS-SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì sẽ được miễn khoản vay này. Trường hợp HS-SV sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà HS-SV sư phạm đã được hưởng.
Bộ GD-ĐT đề xuất SV sư phạm sẽ lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Các khoản vay tín dụng bao gồm: Học phí với mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi SV theo học; sinh hoạt phí để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo có định mức 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/SV và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học. SV ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí.
GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng thay vì bao cấp, nhà nước nên có chính sách cho SV vay vốn. Ông Dong cho rằng ngành sư phạm đã từng thu hút được số lượng lớn HS giỏi một phần nhờ vào chính sách bao cấp, tuy nhiên về lâu dài, cần thay đổi khi không còn phù hợp.
Còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về miễn giảm học phí bậc THCS. Ảnh: TẤN THẠNH
Nâng chuẩn đào tạo giáo viên
Theo Bộ GD-ĐT, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên là bước đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo quy định: Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non (trước đây là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm); có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT.
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì có bằng tốt nghiệp ĐH và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với bậc ĐH, nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH phải có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.
Hiện nay cả nước có 59,63% giáo viên tiểu học đạt trình độ đào tạo từ ĐH trở lên, còn 40,36% (159.934 giáo viên) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn; giáo viên THCS có trình độ từ ĐH trở lên chiếm tỉ lệ 74,6%, còn 25,4% (78.974 giáo viên) cần được bồi dưỡng nâng chuẩn.
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget Hà Nội, đặt câu hỏi liệu có đủ thời gian và nguồn lực để nâng chuẩn cho 107.000 giáo viên mầm non hiện nay? Nếu thực hiện việc này thì có xảy ra tình trạng thiếu hụt một lượng lớn giáo viên đứng lớp vì đi học nâng chuẩn? Bà Yến cho biết áp lực thiếu giáo viên đã lớn ngày càng lớn hơn; đặc biệt với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM:
Nên quy định 2 loại hình trường học
Luật Giáo dục sửa đổi hiện nay quy định riêng lẻ nhiều loại hình trường học: công lập, tư thục, dân lập và trường có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, Luật Giáo dục chỉ nên quy định 2 loại hình trường chính là trường công lập là trường do nhà nước đầu tư và trường ngoài công lập bao gồm các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Cách phân chia như vậy sẽ dễ dàng trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế mở liên quan đến tiêu chuẩn sĩ số HS/lớp. Bởi nếu áp dụng cứng nhắc quy định lớp học từ 35-40 HS như hiện nay thì ở một số TP tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP HCM đều làm sai luật.
Hiện nay, hiệu trưởng nhiều trường vẫn tham gia giảng dạy hoặc hiệu trưởng hết nhiệm kỳ quay về làm công tác giảng dạy. Vì vậy, nếu trong Luật Giáo dục chỉ quy định nhà giáo là những người trực tiếp làm công tác giảng dạy sẽ gây thiệt thòi cho một bộ phận không nhỏ các thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục ở vai trò quản lý.
Vì vậy, trong phần quy định vị trí, vai trò của nhà giáo cần định nghĩa thêm nhà giáo ngoài những người trực tiếp làm công tác giảng dạy còn có những cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng, cán bộ phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT.
. PGS NGUYỄN THIỆN TỐNG, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM:
Trao quyền tự chủ cho các trường
Luật Giáo dục sửa đổi nên quy định rõ để nhà nước chỉ tham gia giám sát chứ không quản lý ôm đồm. Quy định chung chung, thiếu rõ ràng trong việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã nảy sinh nhiều trường hợp sai phạm nhưng không ai đứng ra nhận. Điều này đi ngược với xu thế, kìm hãm sự phát triển của các trường. Luật Giáo dục mới cũng không nên dùng cụm từ "tăng cường tự chủ" mà phải là "trao quyền tự chủ". Có như thế, các trường mới toàn quyền trong việc điều hành và chịu trách nhiệm.
Đặng Trinh ghi
Bình luận (0)