Nói đến tinh thần dân tộc, nhiều lúc tưởng như trừu tượng và lý thuyết. Nhưng không phải, nó cụ thể và thực tiễn lắm. Có ý kiến cho rằng ai mà chẳng có, nước nào mà chẳng có tinh thần dân tộc. Đúng thế nhưng không hoàn toàn giống nhau. Mức độ bền chặt hay lỏng lẻo, mạnh mẽ hay yếu mềm; chân chính, lành mạnh hay cực đoan, dân tộc hẹp hòi và sô-vanh nước lớn… thì có khác nhau. Không ít người nói tinh thần dân tộc là “quan trọng” nhưng thực chất chưa ý thức được tầm vóc của vấn đề; có lúc lãng quên hoặc coi cái khác quan trọng hơn.
SỨC MẠNH TRƯỜNG TỒN
Lịch sử thế giới cho thấy nhiều quốc gia với tinh thần dân tộc mạnh mẽ đã vượt qua những thử thách và sóng gió, vươn lên vị trí hàng đầu, trở thành các cường quốc. Nước Nhật, với tinh thần dân tộc cao, đã tiến hành một cuộc đại cải cách thời Minh Trị, vươn lên đứng đầu châu Á; và sau Thế chiến II là một nước bại trận, bị hai quả bom nguyên tử gây nên tai họa khủng khiếp, vậy mà 40 năm sau họ đã vượt qua, trở thành cường quốc về kinh tế. Nước Đức, cũng với tinh thần dân tộc, đã trở thành một trung tâm công nghiệp hàng đầu của châu Âu. Sau Thế chiến II cũng là nước bại trận, kiệt quệ và bị chia đôi nhưng sau một thời gian không dài họ đã thống nhất đất nước và trở thành một quốc gia mạnh nhất châu Âu về kinh tế.
Nước Nga, với tinh thần dân tộc bất diệt, đã chiến thắng trong Thế chiến II, cứu nhân loại ra khỏi thảm họa phát-xít, khắc phục những hậu quả chiến tranh thảm khốc, vượt lên trở thành cường quốc công nghiệp và quân sự hàng đầu thế giới. Những năm gần đây, với nhiều thăng trầm, nhà lãnh đạo Vladimir Putin vẫn giữ được tín nhiệm của nhân dân nhờ biết tranh thủ được tinh thần dân tộc Nga. Nước Anh và nước Pháp cũng với tinh thần dân tộc đã có thời kỳ vươn ra chiếm một phần lãnh thổ rộng lớn của thế giới thành thuộc địa và đến nay vẫn là một trong những cường quốc của thế giới.
Nước Mỹ, một hợp chủng quốc, mới nghe cứ tưởng tinh thần dân tộc không nhiều nhưng không, họ luôn có ý thức dân tộc mạnh mẽ và đó là sức mạnh quan trọng để Mỹ vượt lên giữ vị trí cường quốc số 1 của thế giới. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ông Donald Trump đã chiến thắng một cách “bất ngờ” nhờ tranh thủ được tinh thần dân tộc Mỹ. Còn có nhiều dân tộc và quốc gia khác và nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội đã nhờ tinh thần dân tộc mà vượt lên, giành chiến thắng.
NMột dân tộc phát triển phải bắt đầu từ sự phát triển của từng con người.
ảnh: Nguyễn Á
Ai mà chẳng có tinh thần dân tộc? Đúng vậy, nhưng mức độ và tính chất thì khác nhau và cũng không phải ai lúc nào cũng nghĩ đến dân tộc. Tất nhiên, để thành công, không chỉ có tinh thần dân tộc. Song tinh thần dân tộc vẫn là một sức mạnh lớn lao nhất, có khả năng tập hợp lực lượng nhiều nhất. Các chính trị gia khi ứng cử, hầu hết đã sử dụng tinh thần dân tộc để tranh thủ phiếu bầu của cử tri. Tất cả anh hùng dân tộc ở các quốc gia cũng đều dựa vào tinh thần dân tộc để thực hiện thành công các cuộc cách mạng. Hầu hết những kẻ mị dân cũng thường lợi dụng tinh thần dân tộc để thực hiện các ý đồ đen tối.
Dân tộc Việt Nam ta đã bị 1.000 năm Bắc thuộc. Lịch sử thế giới cho đến nay hầu như tất cả các dân tộc khi bị đô hộ trực tiếp liên tục trong khoảng gần 200 năm thì đều bị đồng hóa; riêng có hai dân tộc không bị như thế là Do Thái và Việt Nam.
Dân tộc Do Thái đã mất nước gần 2.000 năm. Có một thời gian dài họ không còn Tổ quốc, công dân tản mát đi nhiều nơi. Khi kết thúc Thế chiến II, họ tập hợp lại để đấu tranh giành một phần lãnh thổ, lập nên nhà nước Israel. Họ làm được điều kỳ diệu đó trước tiên là nhờ sức sống của một tinh thần dân tộc. Mới lập lại nước hơn nửa thế kỷ, trong điều kiện không hoàn toàn có hòa bình, mà xung đột chiến tranh khu vực nhiều lần đã xảy ra nhưng đến nay họ đã là một quốc gia phát triển, có những lĩnh vực đứng hàng đầu thế giới. Họ làm được điều kỳ diệu thứ hai này trước tiên cũng là nhờ tinh thần dân tộc, một sức sống và vươn lên mãnh liệt, với những lựa chọn dũng cảm và đúng đắn trong định hướng phát triển.
Còn chúng ta, 1.000 năm bị đô hộ trực tiếp bởi một dân tộc rất đông người, mạnh hơn ta gấp bội về nhiều mặt, họ có một nền văn hóa rất “mạnh” nhưng dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Đó là sự bất diệt, một sức sống mãnh liệt, bền bỉ, trường tồn. Đó là tinh thần dân tộc. Là văn hóa dân tộc. Sau 1.000 năm không đồng hóa được Việt Nam, người phương Bắc biết đó là do sức mạnh của văn hóa dân tộc Việt. Rút kinh nghiệm, sau đó, với 20 năm nhà Minh đô hộ Việt Nam, họ đã tập trung cao độ để xóa bỏ nền tảng văn hóa. Ngày ấy, nhiều công trình văn hóa của người Việt đã bị họ đập phá, san bằng; nhiều sách quý của người Việt đã bị thất truyền, do bị đốt hoặc mang về phương Bắc.
Sau này, nhà Nguyễn đã phải khôi phục nhiều công trình. Vậy đó! Phương Bắc ngày xưa đã kiên trì, liên tục và quyết liệt, bằng mọi biện pháp và thủ đoạn để đồng hóa dân tộc ta nhưng họ không làm được nhờ Việt Nam luôn biết hun đúc tinh thần dân tộc. Trong lịch sử, có những lúc do bị mất nước mà suốt một thời gian dài người Việt Nam ta không có nhà nước của mình. Ngày ấy, cộng đồng người Việt đã tồn tại, giữ vững ý chí độc lập là nhờ tinh thần dân tộc và các tổ chức xã hội lành mạnh, để rồi sau đó tìm cách giành lại độc lập. Chúng ta có quyền tự hào về tinh thần dân tộc ấy.
TỰ HÀO NHƯNG KHÔNG CHỦ QUAN
Đó là niềm tự hào chính đáng nhưng mặt khác lại không được chủ quan. Cũng trong lịch sử ấy, ta đã nhiều lần bằng tinh thần dân tộc và sự anh hùng mà giành lại được độc lập song sau đó lại để mất độc lập vì sự lạc hậu (không phát triển) kéo dài cộng với sự tha hóa quyền lực. Ngày nay, tuy điều kiện và hoàn cảnh đã khác xưa nhưng bản chất vấn đề vẫn chưa có gì thay đổi.
Từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ dân tộc. Nhờ vậy mà tập hợp được nhân dân đủ các tầng lớp trong xã hội, từ trí thức đến công nhân, thợ thuyền, nông dân, những người buôn bán nhỏ, kể cả một bộ phận địa chủ, tư sản dân tộc, kể cả những người đang ở trong hàng ngũ địch. Với ngọn cờ dân tộc, Đảng đã tập hợp toàn dân, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại được một đất nước đã mất và nền độc lập cho dân tộc. Rồi cũng với ngọn cờ ấy, cả một dân tộc lên đường cầm súng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đưa kháng chiến đến thành công.
Trong công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần xác định phải thực hiện “đại đoàn kết toàn dân tộc”, coi đó là động lực, là sức mạnh to lớn nhất. Trước đó, vào thời điểm chuẩn bị thống nhất đất nước, Đảng và nhà nước ta đã có chủ trương phải thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Đường lối ấy là đúng đắn nhưng rất tiếc là trong quá trình thực hiện, tư duy chưa nhất quán, nhận thức thiếu sâu sắc, chưa hiểu hết tầm vóc lớn lao của vấn đề. Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi mà vết thương lòng của sự chia rẽ dân tộc (do chiến tranh để lại) vẫn còn đó, kéo dài quá lâu, gần nửa thế kỷ vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Chủ nghĩa lý lịch, tính định kiến và lòng nghi kỵ đã âm thầm tạo ra ngăn cách trong lòng dân tộc.
Trước đây, hàng triệu người đã ngã xuống trong chiến tranh với niềm tin về sự thống nhất đất nước. Đất nước thống nhất rồi nhưng dân tộc chưa hoàn toàn thống nhất. Chúng ta không muốn thế nhưng tình hình đã vậy. Cần phải có giải pháp quả quyết để kết thúc tình trạng ngoài ý muốn này nhằm làm lành hẳn vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc; từ đó tạo ra sức mạnh lớn lao của một dân tộc thống nhất mà ta luôn tự hào về truyền thống vinh quang.
Trong quá trình xây dựng đất nước, đã có và vẫn còn không ít những ý kiến khác nhau. Đó là chuyện bình thường vì nhận thức và thông tin ở mỗi người thường khác nhau. Mọi người phải được tự do suy nghĩ và tự do thể hiện chính kiến của mình. Không có tự do ấy mới là không bình thường. Sự khác nhau đó không thể san bằng. Mà cũng không chuyện gì lại phải tốn công sức để san bằng cho giống nhau tất cả bởi cũng chẳng để làm gì. Chính sự khác nhau ấy nếu biết ứng xử khoa học thì sẽ là tinh thần phản biện để trên cơ sở đó mà hoàn thiện và tìm ra chân lý. Trong sự khác nhau đó, hầu hết có điểm giống nhau rất căn bản, rất đáng trân trọng, đó là một tinh thần dân tộc. Đừng đẩy các ý kiến khác nhau về phía đối lập mà tạo ra rạn nứt và làm tổn thương tinh thần dân tộc - cái cho ta sức mạnh để trường tồn và phát triển.
Tiếp theo và cùng với sự trường tồn của dân tộc, phải là phát triển. Trong thế giới hội nhập ngày nay càng phải vậy. Tồn tại để phát triển. Phát triển mới tồn tại. Tồn tại và phát triển là hai mặt của cùng một vấn đề. Không thể tồn tại mà không phát triển. Không thể phát triển mà đánh mất mình. Trong chiến tranh, tinh thần dân tộc đã hướng vào sự chiến đấu kiên cường. Nay hòa bình và xây dựng, tinh thần dân tộc phải tập trung hướng vào sự phát triển. Lâu nay, ta hay nói đến sự phát triển của đất nước mà ít nói đến sự phát triển của dân tộc vì cho rằng trong đất nước có dân tộc. Việc này cần nghĩ sâu hơn! Đất nước là không gian để nhân dân sinh sống. Sự phát triển của một không gian nhiều khi không trùng hợp với sự phát triển của những con người là chủ nhân đang sinh sống trong không gian ấy.
Và khi nói đến sự phát triển của dân tộc, của con người thì không chỉ có kinh tế, thu nhập mà còn cái khác quan trọng hơn nữa là văn hóa, trình độ, năng lực... cao hơn, đẳng cấp hơn, để từ đó mà con người tự do hơn, làm chủ được nhiều hơn, có chất lượng cuộc sống cao hơn. Vài chục năm qua, công cuộc “xóa đói giảm nghèo” ở nước ta đã có những kết quả rất quan trọng song không vì thế mà chủ quan. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều thứ không công bằng, kể cả việc những con người yếu thế hơn bị kẻ khác ức hiếp, đã gây ra phân tâm, phân hóa và làm tổn thương tinh thần dân tộc.
VƯƠN TỚI TẦM CAO MỚI
Suốt mấy ngàn năm qua, nhiều thế hệ người Việt Nam luôn tự hào về tinh thần dân tộc trong công cuộc giữ nước. Niềm tự hào đó hoàn toàn chính đáng và rất cần thiết. Không cực đoan, không dân tộc hẹp hòi. Tuy nhiên, cần thẳng thắn và dũng cảm, dù chỉ một lần, nhìn thẳng vào sự thật, để thấy cho rõ rằng sự tự hào về quá khứ giữ nước của chúng ta đã có phần thái quá, từ đó mà ỷ lại, chủ quan, dẫn đến không tránh được sai lầm ngay sau những đỉnh cao của chiến thắng; và nhất là không nhìn thấy mặt nhược điểm, yếu kém kéo dài nhiều trăm năm, cả ngàn năm, về văn hóa (trong) phát triển, bởi thế mà tụt hậu, chậm trễ trong công cuộc phát triển của quốc gia và dân tộc. Ngày nay, trong hòa bình, xây dựng, người Việt chỉ có thể tự hào về sự phát triển của chính mình.
Phát triển là con đường, là cách tốt nhất để giữ gìn, phát huy và bồi đắp tinh thần dân tộc. Không phát triển thì rồi sẽ tiếp tục tụt hậu, sẽ đến lúc chẳng còn gì đáng tự hào nữa; những năm tháng vinh quang cũng sẽ giảm dần ý nghĩa; không thể mượn mãi máu xương của quá khứ. Hãy với tinh thần dân tộc, bằng tinh thần dân tộc, bỏ qua những khác biệt và bất đồng, đoàn kết triệu người như một để tiến lên, để vươn tới một tầm cao mới, đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển. Trong bất kỳ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, với tình hình quốc tế hiện nay càng phải vậy, chỉ có thể dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc mới có thể bảo vệ thành công và phát triển bền vững đất nước.
Đất nước bước sang năm mới. Nhớ những năm chiến tranh gian khổ nhất, ác liệt nhất, mùa Xuân nào Bác Hồ cũng làm thơ để chúc Tết toàn dân tộc. Niềm lạc quan là sức mạnh. Tinh thần dân tộc cũng là mùa Xuân vĩnh cửu. Mùa Xuân và tinh thần dân tộc đem đến nhiều cảm xúc, cho ta thêm sức mạnh để cùng nhau khởi nghiệp, cho gia đình và cho đất nước. Mong mọi điều tốt đẹp cho dân tộc và Tổ quốc ta!
(Quảng Nam, cuối năm 2016)
Bình luận (0)