Quán của Thời Thanh Xuân (QCTTX) - cơ sở chính: số 9 Triệu Việt Vương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - được thành lập năm 2018, là địa điểm yêu thích của bao tâm hồn giàu cảm xúc, nhất là gen Z.
Tôn trọng "văn hóa điếc"
QCTTX là một phần mở rộng của dự án nông trại Nhà Thanh Xuân - nơi "người điếc" và "người nói" sống và làm việc cùng nhau, làm ra các sản phẩm nương tựa vào cánh rừng sau nhà. Ngoài ra, các bạn bị điếc được học cách làm xà bông handmade và tinh dầu. Dự án cộng đồng này của anh Võ Thành Luân đã tạo điều kiện nâng đỡ những người yếu thế và truyền cảm hứng cho những hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vượt khó vươn lên.
Anh Luân (thứ ba từ phải qua) và các bạn ở Quán của Thời Thanh Xuân
Quán nằm dưới con dốc nhỏ, nép mình sau những tán cây. Không trang trí cầu kỳ hay quá rộng rãi, nơi này giữ chân người yêu thích sự thư giãn, nét hoài cổ, mộc mạc. Điểm nhấn còn là hàng ngàn sticky-note (giấy nhớ) ghi đầy lời thân thương của bao vị khách đến đây được lưu giữ trân trọng.
Không khí gần gũi, nhẹ nhàng, thân tình là ấn tượng đẹp Quán của Thời Thanh Xuân gieo vào lòng khách
Nơi này chứa đựng nét văn hóa riêng biệt. Nhân viên làm việc trong môi trường văn minh cùng cách gọi thân thiện như là "người điếc", "người nói" - những bạn hỗ trợ cho dự án và "người thương" - khách hàng của quán. Đến quán, ngoài biết thêm nhiều điều về cuộc sống, tôi nhận được sự chăm sóc ấm áp của các bạn thông qua ngôn ngữ hình thể và từng ánh mắt, nụ cười. Điều đó khiến tôi thấm thía: Yêu thương đôi khi chẳng cần phải thành lời.
QCTTX có những hoạt động đầy tính nhân văn để gắn kết cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Quán từng có một chiếc thùng gỗ "biết nói" và chiếc menu "vô giá" gây chú ý. Khi đến đây, mọi hóa đơn đều in số 0 vì đồ uống và món ăn không có giá nhất định. Mọi thứ được quy trả thành "tình yêu" mà không có bất kỳ sự ràng buộc. Khách hàng tự đưa ra mức giá phù hợp với mức độ hài lòng và trải nghiệm cá nhân rồi đặt vào thùng gỗ. Song gần đây, quán cũng đã sẵn sàng cho thực đơn chỉn chu hơn trong tương lai với mức giá cụ thể. Anh Luân cho biết cần phát triển dự án rõ ràng về tài chính để các em có một tương lai tốt, gặt hái ý nghĩa thiết thực cho cả người nói và người điếc. "Thùng tiền vẫn ở đó với vai trò mới - nơi quán nhận tình yêu và lời nhắn nhủ của từ "người thương" để hoàn thiện hơn nữa" - anh bộc bạch.
Lan tỏa yêu thương
Chàng trai 8X Võ Thành Luân từng trải qua những buổi đầu của dự án chỉ với một chiếc xe, một cái nồi và một chú chó. Nhắc về ngày bản thân tạm gác con đường du học và trở về Đà Lạt hoạt động vì cộng đồng, anh kể: "Khi đứng trước cơn bão Haiyan đã giết chết hơn 10.000 người tại Philippines, tôi ý thức được sứ mệnh của mình là giúp những người yếu thế trở lại với đường đua cuộc đời. Năm 2017, ở Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người điếc, phần đông trong số họ chỉ vừa học xong tiểu học, đến độ tuổi lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tôi bắt đầu dự án Nhà của Thời Thanh Xuân, mong hỗ trợ họ".
Bảng hiệu ngôn ngữ kí hiệu của Quán
QCTTX luôn là niềm tự hào của anh Luân. Cách đây 7 năm, sự hiểu biết về thế giới của người khiếm thính - trẻ điếc không đủ nhiều để tiếp cận, rất khó khăn để hiểu các bạn, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ. Mặt khác, dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao. Tình thương là động lực rất lớn để anh tiếp tục mang các em quay lại dự án. "Tôi nhận ra: Ai cũng có một cuộc đời và cuộc đời của ai cũng đáng sống. Các bạn ấy cũng cần phát triển nhiều hơn cả về kỹ năng và giá trị cống hiến" - anh nói. Mỗi lần nhìn thấy các em có một chương mới trong đời, trở thành người có ích hơn cho xã hội chính là phần thưởng quý báu của riêng anh. Luân thổ lộ: "Tôi có một tư duy rằng cho dù chỉ còn một em điếc, dự án vẫn sẽ tiếp tục tồn tại".
Thật tuyệt với khoảnh khắc bên tách cà phê kẹo tổ ong thơm ngọt tại quán, thả lòng theo sự bình yên, quên đi phần nào bộn bề nhịp sống thành thị. Với tôi, QCTTX như nguồn năng lượng khỏe khoắn mà tôi muốn nạp đầy để không ngại phấn đấu, sống tích cực và chung sức vì những điều đẹp đẽ cho đời.
Bình luận (0)