Hôm nay, 8-9, thêm gần 700.000 học sinh (HS) tiểu học tại TP HCM chính thức bước vào năm học mới bắt đầu bằng việc tổ chức lớp, bên cạnh gần 700.000 HS từ lớp 6 đến 12 đã bắt đầu năm học từ 1-9 qua hình thức trực tuyến.
Loay hoay đăng nhập
Dù có sự trợ giúp của phụ huynh nhưng trong sáng ngày 7-9, buổi học chính thức thứ 2 của năm học mới, nhiều HS vẫn gặp sự cố không thể đăng nhập vào lớp học. Chị Minh, một phụ huynh tại quận 7, cho biết trường của con sử dụng hệ thống học trực tuyến K12 online nhưng sáng 7-9, khi đăng nhập vào lớp học vẫn liên tục bị "văng" ra.
Nhiều phụ huynh cùng phản ánh trong nhóm phụ huynh của lớp cũng gặp tình trạng tương tự. Theo hướng dẫn của giáo viên (GV), các phụ huynh thoát ra rồi đăng nhập lại nhiều lần nhưng vẫn báo lỗi. "Loay hoay đến gần 9 giờ, con mới có thể vào lớp học" - chị Minh cho biết. Trong khi đó, một số trường THPT dù dùng cả hai phần mềm giảng dạy trực tuyến, gồm K12 online và Google Meeting nhưng nhiều khoảng thời gian trong ngày vẫn không thể đăng nhập được.
Đối với HS đầu cấp, học trực tuyến theo thời khóa biểu, tương tác trực tiếp với GV nên nhiều HS chưa quen. Có những tình huống như đang ngồi học thì có em HS đứng dậy bỏ đi luôn vì tưởng cô không nhìn thấy mình. Không còn cách nào khác, GV lại phải gọi cho phụ huynh nhờ nói HS quay lại lớp. Cô Lan Xuân, GV dạy môn hóa học tại quận 4, kể năm nay cô được phân công dạy môn khoa học tự nhiên ở lớp 6. Trước khi vào tiết, có dặn HS khi nào được phát biểu, khi nào để cô nói nhưng các em giành nhau nói, có lúc đang giảng bài thì HS lại bật mic để hỏi, rồi những em khác cũng ùa nhau hỏi theo. "Khi học trực tuyến, muốn hướng dẫn cho HS một điều gì cũng khá khó khăn, chẳng hạn như nếu dạy học trực tiếp chỉ cần hướng dẫn một lần cho HS là có thể hiểu nhưng nay có khi phải mất cả tiết học cũng chưa xong" - cô Xuân nói.
Một tiết học trực tuyến của học sinh lớp 6
Tìm cách cải thiện "sự cố"
Theo tìm hiểu của phóng viên, để tránh tình trạng quá tải khi học trực tuyến, nhiều trường học tại TP HCM tổ chức xếp thời khóa biểu theo hai dạng môn chính và môn phụ. Theo cô Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), trường sử dụng Google Meeting nên xếp thời khóa biểu gọn theo dạng GV/khối/môn cùng một khung giờ. GV nào dạy nhiều lớp, nhiều HS thì sử dụng nhiều đường link, không quá 100 HS/link nên chưa xảy ra tình trạng quá tải.
Trước các sự cố về đường truyền, khiến HS không thể truy cập vào lớp học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết Sở GD-ĐT thành phố đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đề xuất bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ hệ thống thông tin giáo dục ngành GD-ĐT thành phố. Cụ thể, bổ sung 2 server với cấu hình mạnh.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT thành phố cũng đã làm việc với ĐHQG TP HCM, đơn vị phối hợp với sở để nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông đường truyền đối với phần mềm LMS. Riêng về phần mềm K12 online, do máy chủ Viettel quản lý, sở đã làm việc với Viettel để phối hợp, có giải pháp kỹ thuật cải thiện sự cố sớm nhất. Lý do các phần mềm mà gặp sự cố khi truy cập học trực tuyến trong sáng hôm nay 6-9 là do đây là buổi đầu tiên học trực tuyến của HS trung học, với số lượng truy cập quá lớn nên đã dẫn đến sự cố quá tải hệ thống.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện đa số các trường đều sử dụng hai hệ thống phần mềm giảng dạy trực tuyến, nên nếu có một hệ thống quá tải, sẽ vẫn còn hệ thống phần mềm còn lại.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM qua khảo sát thực tế, số HS đang học của các bậc học tại thành phố không bảo đảm các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến là 72.638 HS, chiếm 5,3% trong tổng số HS của toàn thành phố là gần 1,4 triệu HS.
Đề xuất UBND TP hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến
Trước những khó khăn về thiết bị học trực tuyến, chiều 7-9, Sở GD-ĐT TP HCM đã có tờ trình UBND TP HCM về đề xuất chủ trương triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho HS, với số lượng là 85.000 thiết bị.
Theo Sở GD-ĐT, với mục tiêu bảo đảm ngành giáo dục thành phố không để một HS nào nghỉ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh; bảo đảm các điều kiện cho tất cả HS trên địa bàn TP HCM được tham gia học tập trực tuyến, Sở GD-ĐT thành phố đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho HS. Nguồn thiết bị đã qua sử dụng: dự kiến 40.000 thiết bị. Nguồn thiết bị này thông qua chương trình và kêu gọi các phụ huynh, HS, cá nhân, tổ chức, công ty... đóng góp.
Nguồn thiết bị mua trả góp ưu đãi: dự kiến 30.000 thiết bị, thông qua chương trình ưu đãi trả góp phối hợp với các ngân hàng. Sở GD-ĐT thành phố sẽ phối hợp với Sở Công Thương lựa chọn các nhà cung cấp.
Bình luận (0)