Tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 4-5 cho biết Đảng ủy Bộ GD-ĐT vừa có kết luận Phiên họp Ban Thường vụ ngày 27-4-2020.
Theo đó, ngày 27-4, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT đã họp, nghe Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ, tài liệu của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo Kết luận số 1625-KL/ĐUB ngày 23-4-2020 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT. Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã thảo luận, xem xét và kết luận:
Các tổ chức đảng: Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng; chi ủy, chi bộ Thanh tra và cá nhân ông Sái Công Hồng (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học) thuộc chi bộ Vụ Giáo dục Trung học đã có khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nhưng chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Đề nghị các tổ chức và cá nhân trên kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Chi bộ Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng chưa làm tròn trách nhiệm trong việc lãnh đạo đảng viên và chỉ đạo Trung tâm Khảo thí và Kiểm định quốc gia trong việc xây dựng phần mềm thi trắc nghiệm kì thi THPT quốc gia năm 2018; không ban hành các văn bản lãnh đạo; không thực hiện phân công nhiệm vụ cho đảng viên; thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát đảng viên; có đảng viên vi phạm kỷ luật trong công việc bảo mật đối với phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Đề nghị Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng chỉ đạo và thực hiện quy trình xem xét kỷ luật Chi bộ Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục theo thẩm quyền.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, cuối tháng 8-2019, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc xem xét kỷ luật công chức. Theo Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ, trung cấp các nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã xảy ra tiêu cực và gian lận thi cử trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ GD-ĐT nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Căn cứ quy định tại khoản 1, điều 3 và khoản 2, điều 6 nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 người. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7, nghị định 34/2011/NĐ-CP.
Theo Bộ GD-ĐT, thời điểm vi phạm là tháng 6-2018, thời điểm phát hiện vi phạm là 29-7-2019, 13 công chức bị xem xét kỷ luật 13 gồm các Cục trưởng, Cục phó cục Quản lý chất lượng; Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học; Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra; Vụ trưởng vụ Pháp chế…. liên quan đến vụ gian lận thi cử.
Tuy nhiên sau đó, ngày 9-9-2019, Bộ GD-ĐT đã hủy bỏ quyết định xem xét kỷ luật 13 công chức này.
Được biết, ngày 29-8-2019, Thanh tra đã có văn bản số 818/TTr-HCTH "phản pháo" lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Vụ Tổ chức cán bộ.
Ngày 29-8, tập thể lãnh đạo thanh tra đã họp về việc xem xét, tập hợp các ý kiến của công chức cơ quan thanh tra về việc xem xét kỷ luật trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Tại cuộc họp này, có nhiều ý kiến như không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào? Ngoài ra, thủ tục xem xét của Hội đồng kỷ luật đã không tổ chức, xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Về trách nhiệm chung, cơ quan Bộ có 13 công chức bị xem xét kỷ luật của 5 đơn vị thuộc Bộ, trong đó thanh tra có 6 người. Vậy có phải thanh tra là cơ quan có hành vi vi phạm chủ yếu hay không? Đồng thời đề nghị hủy bỏ quyết định số 2450/QĐ-BGD-ĐT ngày 21-8-2019.
Tập thể thanh tra thống nhất ý kiến cho rằng việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, song đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương.
Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.
Tập thể lãnh đạo Thanh tra kết luận cho rằng việc ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21-8-2019 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan Thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan Thanh tra và cá nhân các công chức này.
Thanh tra giáo dục cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tổ chức rà soát kỹ đối với trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm (nếu có) đúng quy định.
Bình luận (0)