Đặc trưng của môn học tiếng Anh là trang bị cho học sinh (HS) kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với ai? Chắc chắn không phải với người Việt mà phải là bạn bè năm châu, bốn bể, bạn bè đến từ các nước tiên tiến.
Dạy theo kiểu ráp công thức
Tôi xin kể ra đây vài mẩu chuyện từ thực tế những năm tháng còn công tác ở một cơ quan về giáo dục tại TP HCM. Chuyện thứ nhất, một lần đi dự giờ tiếng Anh lớp 6 tại một ngôi trường nổi tiếng của TP HCM. Lý do lúc này là chúng tôi nhận được phàn nàn từ hiệu trưởng của ngôi trường ấy: "Chẳng biết 5 năm ở tiểu học dạy tiếng Anh kiểu gì, mà lên lớp 6, hỏi gì HS cũng không biết!". Tôi đến dự giờ cùng một giáo viên tiếng Anh khác. Sau buổi dự giờ đó, tôi làm báo cáo, HS tiểu học từ lớp 5 lên lớp 6 được dạy tiếng Anh như thế thì hỏi gì không biết là chính xác. Thầy giáo lần ấy mà chúng tôi dự giờ đã dạy tiếng Anh theo hướng tiếp cận tiếng Anh bằng việc đưa công thức, ghép từ theo công thức và dịch theo công thức. HS lớp 1 đến lớp 5 bậc tiểu học học chương trình tiếng Anh tăng cường những năm ấy được dạy tiếng Anh theo hướng tiếp cận với ngữ cảnh và từ đó rút ra cách sử dụng.
Câu chuyện thứ hai, những năm tháng đầu tiên khi đến Mỹ học, tôi đã từng rơi vào tình cảnh: Tôi nói tiếng Anh nhưng không tự nhiên. Các bạn Mỹ nói với tôi rằng: Mình hiểu bạn nói gì nhưng tụi mình không nói thế. Đó là lý do vừa rồi cộng đồng mạng tranh luận xôn xao về một câu chào hỏi: "Hello, I am Miss Hiền" trong sách tiếng Anh 1 của tác giả Hoàng Văn Vân. Nếu có "Miss" thì theo cách nói của người Mỹ, sau chữ "Miss" phải là một họ (last name).
Câu chuyện thứ ba: Tôi quan sát các bạn nhỏ trong xóm học tiếng Anh, các bạn ấy học theo kiểu thuộc lòng một bài cửu chương. Ví dụ, các bạn ấy đọc ra rả: những từ tận cùng bằng t và d khi thêm ed sẽ đọc thành "it" (/id/).
Tôi kể 3 câu chuyện để nói với các bạn nguyên nhân vì sao sau những năm tháng học tiếng Anh ở phổ thông, HS chúng ta vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh; các thầy cô dạy tiếng Anh, ngoài những năm học tiếng Anh phổ thông và thêm 4 năm học tiếng Anh chuyên ngành, vẫn không tự tin giao tiếp tiếng Anh.
Học sinh TP HCM trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc trưng của tiếng Anh bị xem nhẹ
Kết quả môn tiếng Anh trong các kỳ thi, thậm chí những du học sinh tên tuổi khi học tập ở nước ngoài thì vấn đề các em gặp trở ngại vẫn là tiếng Anh. Thật ra, chỉ vì một lý do đơn giản là đặc trưng bộ môn tiếng Anh đã không được xem trọng. Đặc trưng của việc dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường, chỉ nên hiểu đơn giản là hình thành khả năng giao tiếp tiếng Anh cho HS. Thế thì tại sao ta lại dạy HS theo cách dạy hóa, dạy toán - nghĩa là học thuộc lòng công thức, tìm những dấu hiệu rồi ráp công thức, chia thì quá khứ, hiện tại hay tương lai... Và thế là HS học vẹt, làm bài tập ngữ pháp nhoay nhoáy nhưng vẫn không thể hiểu được khi nào, ở đâu, với ai, ta cần chia thì gì... Mà cuộc sống thì muôn màu không phải lúc nào có "yesterday" (hôm qua) cũng chia ở quá khứ.
Chúng ta trang bị kỹ năng tiếng Anh để HS tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú được lưu giữ bằng tiếng Anh... Thế nhưng, chúng ta lại chỉ cho phép HS Việt Nam được học sách tiếng Anh do người Việt biên soạn. Ngôn ngữ và văn hóa là hai phạm trù không thể tách rời. Khi học tiếng Anh theo sách người Việt biên soạn, chúng ta tước đi quyền được hiểu về văn hóa của một nước khác; tước đi quyền được khám phá, được học những cách nói mà chỉ có những ai sinh ra, lớn lên ở xứ sở ấy, uống nước của dòng sông ấy mới nói thế. Và cuối cùng, chúng ta tước đi quyền được sử dụng một thứ tiếng Anh hoàn hảo để giới thiệu về Việt Nam của HS.
Để trẻ học theo cách tự nhiên
Sẽ khó có một công thức nên học tiếng Anh từ khi nào là hiệu quả với tất cả những đứa trẻ với các hoàn cảnh khác nhau. Tôi chỉ lấy kinh nghiệm của một người mẹ có con từng đạt nhiều giải thưởng về tiếng Anh và đang du học chuyên ngành sinh học phân tử tại Mỹ để nói rằng hãy để trẻ em được học tiếng Anh một cách tự nhiên nhất. Từ lúc 4 tuổi, tôi bắt đầu cho cháu "chơi" với tiếng Anh theo kiểu tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Hồi ấy, các trung tâm chưa có chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non nên tôi cùng một thầy nước ngoài "gom" con của các đồng nghiệp để mở một lớp tiếng Anh tại nhà. Chương trình chúng tôi tự lên, kể những câu chuyện, đọc những bài thơ, chơi trò chơi bằng tiếng Anh. Cứ thế, các cháu "nhặt" tiếng Anh một cách tự nhiên.
Tôi nhớ câu chuyện đầu tiên chúng tôi kể cho các cháu là "The very hungry caterpillar", rất nhiều từ mới và hình ảnh đẹp, trực quan. Con tôi và các bạn mê đến mức học thuộc lòng toàn bộ câu chuyện và còn tự minh họa. Các cháu không hề học văn phạm, không hề có một buổi, một giờ học nào ngồi chép từ để thuộc lòng. Tất cả những gì tôi và thầy làm là cung cấp cơ hội cho con tôi và các bạn cháu được nhìn, được nghe, được hoạt động, được cảm nhận và chơi với tiếng Anh để một ngày chúng nói, viết tiếng Anh thật tự nhiên.
Nguyễn Hồ
Bình luận (0)