xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

SGK lớp 1: Liệu có hết độc quyền?

Bài và ảnh: Yến Anh

Có tới 24 trong số 32 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 vừa được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới là của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

Chiều 22-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021 theo chương trình phổ thông mới.

Chống được độc quyền?

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho biết có 32 bản thảo SGK của 8 môn học được phê duyệt trong lần này. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế với 24 bản, NXB ĐH Sư phạm TP HCM 4 bản, 4 bản còn lại của NXB ĐH Sư phạm. Cụ thể, trong 5 bản SGK Tiếng Việt, 4 bản của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bản của NXB ĐH Sư phạm TP HCM. Trong 5 bản SGK Toán, 4 bản của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bản của NXB ĐH Sư phạm. Trong 5 bản Đạo đức, 4 bản của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bản của NXB ĐH Sư phạm TP HCM... Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo, cụ thể: Tiếng Việt, toán, đạo đức, mỗi môn 6 bản thảo; tự nhiên - xã hội (5); giáo dục thể chất (4); nghệ thuật (âm nhạc) (5); nghệ thuật (mỹ thuật) (5); hoạt động trải nghiệm (6); tiếng Anh (6).

Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là "đạt" và đề nghị bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá "không đạt".

SGK lớp 1: Liệu có hết độc quyền? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thành (đứng), Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thông tin về việc lựa chọn và triển khai SGK mới

Từ tháng 7 đến giữa tháng 10, các Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập đã tiến hành đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, mỗi thành viên hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo SGK.

Tại cuộc họp báo, trả lời ý kiến cho rằng với số lượng sách áp đảo (24 cuốn) của NXB Giáo dục Việt Nam, liệu có chống được tình trạng độc quyền như yêu cầu đề ra, ông Thái Văn Tài cho biết độc quyền là chỉ khi có 1 bộ sách, tuy nhiên hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau, từ những NXB khác nhau. Trong quá trình lựa chọn tại địa phương, phải dựa trên tính phù hợp của từng địa phương. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền.

Tôn trọng ý kiến giáo viên

Sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài cho biết trước tháng 3-2020, địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21-11.

Từ tháng 3 đến tháng 5, sở GD-ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.

Liên quan đến việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài cho biết việc này được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 32 (SGK giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT".

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, nói Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định "cứng" là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỉ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học. Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD-ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK bảo đảm tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.

Dự thảo thông tư lựa chọn SGK hiện đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình bộ trưởng phê duyệt ban hành, đủ thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các NXB thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.

Trả lời thắc mắc xoay quanh giá SGK, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD-ĐT cho biết tại Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay, SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế về SGK phù hợp, bảo đảm công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.

Tiếp tục đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Thủ tướng chỉ đạo bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của nhóm tác giả, ý kiến của các chuyên gia và dư luận về "Chương trình thực nghiệm", Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết GS-TS Nguyễn Kế Hào đã đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục gửi kiến nghị đến Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tâm thư liên quan bộ SGK của đơn vị nêu trên, do GS-TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, bị loại. Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có văn bản trả lời GS-TS Nguyễn Kế Hào, đồng thời có báo cáo gửi Thủ tướng, nêu rõ lý do sách của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt.

Ngay trong quá trình thẩm định, hội đồng thẩm định đã hai lần làm việc với tác giả. Lần đầu tác giả trình bày bản thảo nội dung, hội đồng đã có những trao đổi về quan điểm, nội dung. Sau đó 7 ngày, hội đồng có kết luận cuối cùng và mời tác giả lên để thông báo, đối thoại công khai. Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. "Đến thời điểm này, bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nếu tác giả có nhu cầu" - ông Tài nói và cho biết thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục làm việc với người liên quan. Nếu tác giả có nhu cầu đối thoại, Bộ GD-ĐT sẽ xin ý kiến của bộ trưởng để tiến hành.

Trước phản hồi này, GS Hồ Ngọc Đại nói ông sẵn sàng đối thoại về chương trình thực nghiệm cũng như SGK nếu Bộ GD-ĐT tổ chức. Ông cho rằng bây giờ đó là việc của đất nước, không phải là việc của cá nhân ông nữa. 

Giáo viên phải được tham gia

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 (TP HCM), cho biết hiện nay, giáo viên tại TP HCM đã được tập huấn theo chương trình mới, sắp tới sẽ tiếp cận các bộ SGK đã được thẩm định. Theo Luật Giáo dục 2019, "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT". Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh, TP thực hiện. Hội đồng đó gồm những thành phần nào thì hiện chưa rõ nhưng tốt nhất nên có sự tham gia của những người có chuyên môn, cụ thể nhất là giáo viên, tất cả giáo viên phải được tham gia bàn luận để lựa chọn SGK phù hợp. Giáo viên là người trực tiếp dạy học nên nhất thiết phải tham gia.

Cùng quan điểm này, ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, nói địa phương này đã đóng góp ý kiến cho dự thảo của Bộ GD-ĐT về Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK. Quan điểm của Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cũng là giáo viên phải được tham gia trong hội đồng lựa chọn SGK vì họ trực tiếp giảng dạy, biết chọn sách phù hợp nhất để làm tài liệu dạy học.

H.Lân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo