Việc bộ sách Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại, vốn đã có hơn 900.000 học sinh (HS) theo học suốt 40 năm qua, bị Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) đánh giá "không đạt" ngay từ vòng 1 đang làm nóng dư luận những ngày qua.
Bị loại vì "vượt quá chương trình"
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) SGK môn tiếng Việt, thừa nhận lâu nay, sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được sử dụng và có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, tất cả SGK mới hiện nay đều phải soạn theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và phải tương thích với chương trình. Do đó, tất cả sách của GS Hồ Ngọc Đại cũng như bộ SGK hiện hành đều phải được viết lại cho phù hợp.
Giải thích về lý do bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, GS Trần Đình Sử cho rằng chương trình mới yêu cầu phải giúp HS lớp 1 phát triển 4 tiêu chí: đọc, viết, nghe, nói những câu đơn giản, phân biệt được các trường hợp chính tả, giao tiếp, chào hỏi, kể chuyện… Trong khi đó, sách của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy về âm, chữ và quy tắc chính tả. Sách cũng có điểm vượt quá yêu cầu như dạy HS lớp 1 kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi.
GS Hồ Ngọc Đại với bộ sách Công nghệ giáo dục (ảnh dưới) của ông bị loại khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới Ảnh: YẾN ANH
Ngoài ra, chương trình mới chỉ yêu cầu HS lớp 1 phân biệt chính tả c - k, g - gh nhưng sách của GS Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4, có tính hàn lâm, quá tải. Cách dạy của sách GS Hồ Ngọc Đại có những ưu điểm nhất định nhưng các mặt khác, đối chiếu với chương trình GDPT mới yêu cầu thì không thể hiện được. Sách có những nội dung vượt quá chương trình.
Trả lời báo chí, PGS Trần Kiều, Chủ tịch HĐTĐ môn toán, cho biết đã góp ý với GS Hồ Ngọc Đại nên viết theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giữ lại những ưu điểm của bộ sách cũ. Theo PGS Trần Kiều, bộ không thể thay chương trình để theo sách của GS Đại. Chương trình chỉ có một và đó là văn bản pháp quy.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hiện HĐTĐ lấy tiêu chí sách biên soạn phải phù hợp với chương trình GDPT mới thì rõ ràng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng đầu là điều dễ hiểu. Cũng rất khó tìm ra một lý do hợp lý hơn để giải thích cho điều này.
Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP HCM nhận định dù quy trình thẩm định có chặt chẽ đến thế nào nhưng có bàn tay con người thì vẫn không thể khách quan tuyệt đối. "Đó là chưa kể người trong HĐTĐ thừa sức biết cái "ngông" và "sĩ" trong con người GS Hồ Ngọc Đại sẽ khó mà sửa bộ sách tâm huyết cả đời mình chỉ để được công nhận và vừa lòng một nhóm người" - vị này cho biết.
Liệu có sự ưu ái, cảm tính?
Trước băn khoăn liệu có sự ưu ái của HĐTĐ với một vài bộ sách nào đó để gạt đi những bộ sách khác, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), trả lời: Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo SGK do tác giả và nhà xuất bản gửi, các thành viên HĐTĐ (mỗi hội đồng từ 7-15 thành viên gồm GS đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường ĐH và giáo viên đến từ các vùng miền) sẽ đọc trong 15 ngày. Theo ông Tài, cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng 1. "Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết" - ông Tài nhấn mạnh.
GS Trần Đình Sử cũng khẳng định trong quá trình thẩm định, không có sự phân biệt nào với các bộ sách, tác giả viết sách. Việc đánh giá, thẩm định các bộ sách dựa vào các tiêu chí của Thông tư 33 quy định cụ thể về các tiêu chuẩn SGK phù hợp với chương trình GDPT mới do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo GS Trần Đình Sử, sau vòng 1, ngoài sách Tiếng Việt và Toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại, còn có những cuốn sách ở môn khác bị HĐTĐ đánh giá chưa đạt.
Việc dư luận băn khoăn về quy trình, tiêu chí thẩm định SGK không phải là không có cơ sở, khi thực tế trong các giai đoạn trước đây, dù công bằng hay khách quan, cũng vẫn có những kẽ hở. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (TP HCM), dẫn chứng trước năm 2000, khi biên soạn SGK tiếng Anh cho chương trình phân ban, Bộ GD-ĐT công bố rộng rãi trong cả nước và cuối cùng lựa chọn 2 nhóm tác giả của Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, thay vì để giáo viên và HS tự lựa chọn, Bộ GD-ĐT lại tự phân chia theo dạng: Sách của nhóm Hà Nội được chọn cho ban cơ bản và khoa học tự nhiên; sách của nhóm TP HCM chọn cho ban khoa học xã hội. Ban khoa học xã hội rất ít người học tiếng Anh, kết quả cuối cùng là nhóm này không bán được sách dù chất lượng của 2 bộ sách lúc này được thẩm định không thua kém gì nhau.
GS Hồ Ngọc Đại:
"Tôi sẽ không sửa"
"Tôi sẽ không sửa, nếu chỉ để được thẩm định. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này". GS Hồ Ngọc Đại khẳng định như vậy.
Thông tin bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại được ông cung cấp cho báo chí vào sáng 12-9. GS Hồ Ngọc Đại nói rằng ông không bất ngờ trước việc sách của mình bị loại. "Đó là việc của nhà nước, của chính quyền, của cơ quan quản lý giáo dục" - GS Hồ Ngọc Đại nói.
Trả lời câu hỏi về việc ông có chỉnh sửa phù hợp hơn để tiếp tục thẩm định sau này như ý kiến của một số thành viên HĐTĐ hay không, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: "Tôi sẽ không sửa để nộp lại. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho HS lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Chúng chấp nhận được thì tôi tin. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay".
"Sàn đấu" phải công bằng
Nói thêm về sách CNGD của GS Trần Ngọc Đại, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết TP HCM dạy sách CNGD của ông từ rất sớm. Bắt đầu từ thập niên 1990, lúc này trực tiếp GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Hồ Ngọc Đại vào TP triển khai tại Trường Trung học Sư phạm TP HCM. Đến năm 1994, TP có 5 trường tiểu học dùng sách CNGD dạy từ lớp 1 đến lớp 5 như: Văn Hiến (quận 1), Lương Định Của (quận 3), Kim Đồng (quận Gò Vấp)... Ngoài ra, nhiều trường ở các quận, huyện dạy sách CNGD ở lớp 1. Đến năm 1995, TP HCM đăng ký phổ cập giáo dục tiểu học nên cùng lúc tiến hành giảng dạy cả 3 chương trình là: CNGD, chương trình cải cách giáo dục và chương trình 100 tuần. Trong đó, chương trình CNGD gần như áp dụng đại trà ở lớp 1, nhất là ở môn tiếng Việt. Đến năm 2000, khi thực hiện một chương trình, một bộ SGK thì TP mới không dùng sách CNGD.
Cũng theo ông Lê Ngọc Điệp, trong quá khứ, sự đóng góp của sách CNGD là rất lớn, nhất là môn tiếng Việt, vì giúp HS tập viết dễ dàng và không tái mù, giảm nhiều tình trạng HS ngồi nhầm lớp. Bởi vì trước đây, HS dù mới học xong nhưng chỉ qua kỳ nghỉ hè vào học lại là quên hết cách viết và đọc tiếng Việt.
Từ thực tiễn áp dụng sách CNGD, theo một chuyên gia giáo dục, khi thẩm định sách, dĩ nhiên HĐTĐ sẽ có những tiêu chuẩn và đánh giá riêng. Nhưng nếu xem các bộ sách của các nhóm tác giả như là một "sàn thi đấu" thì cuộc thi này phải công bằng. Trong sàn đấu này, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ nên đóng vai trò là một đơn vị xuất bản sách như các NXB khác nhưng lại đóng 2 vai trò vừa là NXB vừa biên soạn sách. Như vậy, cuộc thi đã không còn công bằng.
Ngay như TP HCM, dù có đội ngũ và tiềm lực, lâu nay vẫn "mang tiếng" là bộ SGK riêng của TP nhưng thực tế là một số tác giả, nhà chuyên môn liên kết với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn sách và nếu được áp dụng, NXB này sẽ quyết định giá sách.
Bình luận (0)