Chiều 8-7, ngay sau khi thí sinh hoàn tất môn thi cuối cùng là ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
50 thí sinh bị đình chỉ
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế.
Theo đó, các thiếu sót của cán bộ trong quá trình làm công tác thi được khắc phục kịp thời, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ trung ương đến địa phương, đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại buổi họp báo chiều 8-7. Ảnh: LAN ANH
50 thí sinh bị đình chỉ thi (môn ngữ văn có 12 thí sinh, toán 10 thí sinh, khoa học tự nhiên 10 thí sinh, khoa học xã hội 11 thí sinh, tiếng Anh 7 thí sinh). Trong đó, có 6 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 44 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. "Đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Không có giám thị nào vi phạm quy chế thi" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Đề thi phân hóa để bảo đảm công bằng
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn dù thí sinh học trực tuyến nhiều hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm nay.
Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản. Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua.
Liên quan đến những thắc mắc về ra đề thi môn ngữ văn khiến nhiều người có thể đoán trúng đề thi, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng xác suất đoán đúng tác phẩm dễ hiểu. Nhưng câu hỏi cụ thể đặt ra với tác phẩm ấy mới là quan trọng. Việc này sẽ khác với các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau này. Bởi vì với quy định một chương trình, nhiều bộ sách, học sinh học cùng một nội dung kiến thức trong chương trình nhưng học sách giáo khoa khác nhau với ngữ liệu và tác phẩm khác nhau.
Trả lời câu hỏi về quy định đồ dùng của thí sinh phải để cách phòng thi 25 m gây khó khăn cho thí sinh, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng rút kinh nghiệm từ những năm trước và tham khảo ý kiến của Bộ Công an, khoảng cách này có thể khắc phục việc thí sinh gian lận bằng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, bộ sẽ tham khảo, nghiên cứu để có phương án xử lý tối ưu. Về ý kiến cho rằng nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương khi tỉ lệ tốt nghiệp luôn trên 90%, ông Phong thông tin bộ đã có phương án tổ chức kỳ thi cho những năm tới, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thanh tra chấm thi ở 63 tỉnh, thành
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi trong suốt thời gian chấm để tăng cường tính nghiêm minh.
Liên quan đến việc chấm thi, ông Lê Mỹ Phong khẳng định việc chấm thi sẽ được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo bài thi, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. "Chúng tôi sẽ tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi. Việc triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT" - ông Phong nói.
Xác minh thông tin nghi vấn lộ đề
Liên quan đến thông tin phản ánh lộ đề thi môn ngữ văn được đăng trên báo chí và mạng xã hội trước giờ thi, ông Lê Mỹ Phong khẳng định đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi; Bộ GD-ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để làm rõ. Đối với nghi vấn đề thi môn toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi, ông Phong cho biết ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh... Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Bình luận (0)